Theo ông Đoàn Quốc Long, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng PNB Paribas, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ quốc gia nào, doanh nghiệp nào không muốn đổi mới sáng tạo, cập nhật công nghệ mới là tự đào thải mình. Để đổi mới công nghệ, sàn giao dịch khoa học và công nghệ (KH&CN) là một định chế cực kì quan trọng, thực hiện trên cơ sở 3 nhà là nhà nghiên cứu, nhà nước và nhà doanh nghiệp.
Cần những "đầu tàu" kéo thị trường khoa học và công nghệ phát triển. (Ảnh minh họa: KT). |
"Chỉ khi nào sự liên kết giữa 3 nhà này chặt chẽ mới tạo ra được sức mạnh, từ đó tạo lực đẩy phát triển mọi mặt từ kinh tế - xã hội của một quốc gia. Ba bên cần thực sự ngồi lại với nhau để đưa ra chiến lược, giải pháp cụ thể thì thị trường KH&CN Việt Nam mới có thể phát triển hết tiềm năng", ông Đoàn Quốc Long nêu ý kiến.
Một trong những hướng đi tốt của Việt Nam hiện nay để phát triển thị trường KH&CN là đối tác công tư tại các ngành kinh tế quan trọng. Việc sớm xây dựng công thức đối tác công tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như của doanh nghiệp.
Mới đây, Tập đoàn VinGroup đã chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, với mục tiêu đến năm 2028, VinGroup sẽ trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Đây được coi như tín hiệu vui của thị trường KH&CN Việt Nam.
TS. Phan Thế Công, Trường Đại học Thương mại cho biết, các nước phát triển thường khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh và phát huy sức lan toả của họ. Bởi các tập đoàn có tầm nhìn xa trông rộng, có thể làm "đầu tàu", dẫn dắt cuộc chơi, tạo thị trường và mạng lưới kinh doanh hay các chuỗi giá trị, để thành viên khác trong cộng đồng tìm thấy đường đi và cùng tham gia.
"Cùng đổ xô ra thị trường theo tính bầy đàn mà không có "cột cờ" căn chỉnh, đối chiếu thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng xác định phương hướng, dẫn đến mù quáng và khó thành công", TS. Phan Thế Công cho hay.
Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa không thành công lại gây khó khăn cho các tập đoàn lớn khi không thể hình thành được một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
GS Hồ Ngọc Luật |
"Ý tưởng của VinGroup rất táo bạo và là hướng đi chính xác. Doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn mạnh, phải phát triển "bộ não" của mình, từ đó ra sản phẩm của riêng mình, quy trình công nghệ của riêng mình. Đây là hướng đi thích hợp mà Nhà nước nên khuyến khích", GS Hồ Ngọc Luật kiến nghị.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Vườn ươm BK Holdings cho rằng, đây là động lực cho các start-up công nghệ, là "đầu tàu" kéo một lĩnh vực KH&CN phát triển. Chính những Tập đoàn như VinGroup sẽ là khách hàng tiềm năng, khách hàng lớn để tiêu thụ sản phẩm của các start-up công nghệ.
"Theo kinh nghiệm phát triển quốc tế, thị trường KH&CN có nhiều tầng nấc khác nhau với doanh nghiệp nhỏ, vừa, lớn và cực lớn. Vai trò của một tập đoàn, doanh nghiệp lớn để dẫn dắt công nghệ là hết sức quan trọng. Từ VinGroup sẽ tạo nên một hệ sinh thái có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cùng đồng hành trong một chuỗi giá trị", ông Hiệp cho hay.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. |
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, định hướng của Bộ KH&CN hiện nay là ưu tiên, khuyến khích các tập đoàn có cơ sở nghiên cứu. Bởi lẽ, bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu để định hướng nghiên cứu gắn với sản phẩm chiến lược của tập đoàn là rất quan trọng.
"Trong thời gian tới, Cục sẽ làm việc cùng với VinGroup nhằm tư vấn thêm những hỗ trợ có thể từ phía Nhà nước trong việc xây dựng định hướng thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, kết nối viện nghiên cứu của tập đoàn với các viện nghiên cứu công để có sự chia sẻ nguồn lực, nhằm mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ tốt nhất", ông Phạm Đức Nghiệm nói./.