Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vụ việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus biển xanh đang gây xôn xao dư luận.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Nhiều vấn đề về công tác cán bộ
PV:Những ngày này, khi nhắc đến tên ông Trịnh Xuân Thanh, rất nhiều người biết ngay đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – người sử dụng xe Lexus tư nhân nhưng gắn biển số xanh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải làm rõ. Như vậy sự việc này đã vượt khỏi tỉnh Hậu Giang, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Việc này đến hôm nay ai cũng biết cả rồi. Trước hết, tỉnh Hậu Giang phải tự thấy trách nhiệm của mình, giải quyết tốt những điều Tổng Bí thư đã chỉ đạo. Cấp ủy, các đồng chí lãnh đạo, Bí thư, Chủ tịch ở Hậu Giang đều phải có trách nhiệm làm rõ.
Tôi cho rằng, việc này không chỉ riêng của Hậu Giang, vì việc cấp biển xanh còn có cơ quan Công an và các cơ quan khác thực hiện. Đồng chí Trịnh Xuân Thanh đúng/sai thế nào, thậm chí quá khứ và hiện tại thì các cơ quan khác cũng phải có trách nhiệm.
Những người nào trong vấn đề có trách nhiệm quản lý đối với công việc, cán bộ của Đảng thì đều thực hiện nghiêm túc ý kiến của Tổng Bí thư.
PV:Thưa ông, có vẻ như việc chuyển đổi biển số xe từ trắng sang xanh chỉ làmột việc làm bất minh của một cán bộ cấp cao của tỉnh?
Ông Phạm Thế Duyệt:Đây là một sự việc và không ai nghĩ biển xanh-biển đỏ là quan trọng. Nhưng việc làm này nói lên nhiều vấn đề về công tác cán bộ của Đảng.
Vì đồng chí là cán bộ cấp cao, từng làm ở các cơ quan về quản lý kinh tế rồi quản lý của Bộ, được luân chuyển xuống địa phương, được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Cả một chuỗi thời gian và sự việc như thế mà bây giờ bảo đồng chí sai/đúng như vậy thì chúng ta phải cố gắng làm cho thật rõ.
Chuyện biển số cũng là một khuyết điểm, nhưng nó không phải là cái lớn nhất. Cái lớn nhất là vấn đề đánh giá, sử dụng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, kể cả vào Quốc hội…chuyện đó mới là điều nhân dân quan tâm.
Bộ trưởng Nội vụ nói gì về quá trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh?
PV:Vì sao mộtcán bộ có nhiều khuyết điểm cả một quá trình như vậy vẫn được bổ nhiệm ở những vị trí quan trọng trong vòng 3 năm, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Đó mới là điều mà nhân dân, toàn Đảng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương suy nghĩ. Điều đó cho thấy người ta nói mà không làm tới nơi tới chốn. Nghị quyết Trung ương 4 và những vấn đề nêu ở Đại hội XII vừa qua đã khá đầy đủ, kể cả sự chuẩn bị Quốc hội khóa XIV nêu khá đầy đủ rồi. Việc gì phải ai giải thích nữa. Do các cấp quản lý cán bộ, do những đồng chí chịu trách nhiệm chính về quản lý cán bộ, kể cả tổ chức, hệ thống Đảng, hệ thống chính quyền đã không thẳng thắn, làm đúng, làm thực chất những vấn đề cần làm trong quá trình thực hiện các quy trình cán bộ.
Nói gọn lại, đây là do lãnh đạo không tốt, nói thì đúng nhưng làm chưa được.
PV:Ngày 25/1/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu rõ:“Yêu cầu Tập đoàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Thưa ông, tại sao ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng lại không được thực hiện?
Ông Phạm Thế Duyệt:Chủ trương của Thủ tướng rất nghiêm túc, nhưng chỉ đạo thực hiện lại không được, không đến nơi đến chốn và cán bộ không làm cũng bỏ qua. Đáng nhẽ việc này phải làm đến nơi đến chốn, nếu đúng thì chắc không phải riêng anh Trịnh Xuân Thanh mà còn nhiều người khác có trách nhiệm.
Trên nói nhưng không nghiêm, dưới nhờn không thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Trung ương cho nên xảy ra như vậy.
Bất thường trong công tác bổ nhiệm cán bộ
PV: Theo dõi diễn biến của vụ việc, theo ông, có hay không những sự bất thường trong công tác bổ nhiệm cán bộ?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tất cả những việc này đều nói lên sự bất thường. Chứng tỏ cả một quá trình chúng ta đã đánh giá không đúng cán bộ, cân nhắc để sử dụng không đúng cán bộ; cán bộ có khuyết điểm nhưng đã bỏ qua, không dám đấu tranh, không thẳng thắn mà làm những việc như gần đây nhất là đưa vào ứng cử Quốc hội. Cái gì cũng nói là đúng quy trình, tỷ lệ bầu cử 75%. Điều đó cho thấy chất lượng công tác cán bộ đạt được như thế nào. Tôi rất mong đây là kinh nghiệm lớn không chỉ của Hậu Giang mà còn là kinh nghiệm của Đảng, của Nhà nước.
Xe Lexus tư nhân được gắn biển số xanh chở ông Thanh trên đường phố Cần Thơ (Ảnh: Dân Trí) |
PV:Thưa ông, lâu nay vẫn có sự suy diễn, đồn đoán rằng sở dĩ những người có sai phạm, năng lực không đáp ứng được mà vẫn được thăng tiến là do có người này “đỡ”, người kia “nâng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Trung ương 4 đã đánh giá một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, chính trị tư tưởng, lối sống, mắc vào quan liêu, tham nhũng, xa dân… Vậy thì số không nhỏ này là ai? Số không nhỏ này chẳng qua là những người có chức, có quyền thì mới có “điều kiện” vấp vào những cái sai phạm ấy.
Cho nên ở Quốc hội, có người từng nói mà nhân dân rất dễ đồng tình “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ”. Đừng nên nghĩ đó chỉ là một lời nói mà đó là một cảnh tỉnh, nhắc nhở những người có trách nhiệm làm công tác cán bộ phải như thế nào để đào tạo, xây dựng được những đội ngũ cán bộ đúng đắn của Đảng, được dân tin yêu. Trong công tác cán bộ bao giờ cũng phải lấy hiệu quả, chất lượng công việc làm thước đo sự cống hiến, đóng góp trình độ, đạo đức của cán bộ, chứ đừng hình thức.
Không phải ngẫu nhiên khi Bác Hồ đi xa, Người nói đầu tiên phải xây dựng chỉnh đốn Đảng, thứ hai mới nói đến đời sống của dân, thứ ba nói xây dựng đội ngũ trẻ, thứ tư nói đến chống Mỹ cứu nước rồi mới nói đến quan hệ quốc tế, đến đời tư… Người có trách nhiệm nghĩ thấm thía điều đó thì xây dựng Đảng ta sẽ vững mạnh, một Đảng lãnh đạo, nhân dân tin tưởng.
Người dân vẫn tin Đảng, nhưng rõ ràng xu hướng suy thoái trong Đảng đang ngày càng bị xuống cấp so với trước.
PV:Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, liệu rằng đây có phải là trường hợp cá biệt không, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nếu nói thế này thì là suy diễn nhưng theo Nghị quyết Trung ương 4, tôi chắc không phải cá biệt, vì đã “một bộ phận không nhỏ” đang mắc phải sai phạm như thế. Nhưng bộ phận không nhỏ này đang nằm ở đâu, phải làm cho rõ, xử lý đến nơi. Nói mấy nghìn vụ thì tôi không nghĩ nó trúng với những điều nhân dân mong. Cần phải tập trung vào đội ngũ cán bộ hư hỏng mà cầm quyền, có chức cao, có quan hệ rộng.
Trung ương đã kết luận đây là việc làm không tốt, thử thách uy tín của Đảng với dân, thử thách uy tín của chế độ với dân chứ không hề đơn giản.
Phó Chủ tịch đi xe Lexus biển xanh: Đường quan lộ thay đổi chóng mặt
PV:Nếu không là cá biệt mà không được xử lý kịp thời thì ông đánh giá mức độ nguy hại sẽ như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Có nhiều tâm tư, suy nghĩ về Đảng ta có nhiều quyết tâm, chủ trương, như khóa VIII đã ra Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, khóa XII cũng đã ra Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới,… Tất cả những điều đó cho thấy Đảng nhận thức rất rõ và việc đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trước Trung ương thế nào thì ai cũng đã hiểu.
Tôi cho rằng, đây là vấn đề sống còn, phải quyết tâm làm chứ không chần chừ, chậm trễ.
PV:Câu chuyện của một cá nhân nhưng thực chất là cả một quy trình của công tác cán bộ.Quy trình tổ chức cán bộ như thế nào mà để xảy ra câu chuyện như vậy,thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Nếu làm đúng quy trình thì không bao giờ xảy ra, còn nếu làm hời hợt, làm hình thức, làm chỉ qua báo cáo mà không nói đến trong đội ngũ cán bộ việc đề bạt, cất nhắc, luân chuyển có nơi còn tiêu cực…thì làm sao mà không xảy ra. Tốt nhất phải theo quy trình của Đảng, các quyết định về tiêu chuẩn đạo đức cán bộ của Đảng đã đề ra, làm cho tốt, cho đúng. Nếu có kênh để nhân dân đóng góp thì chắc có nhiều người có ý kiến, Đảng cần xem xét.
PV: Quy trình làm sai, cán bộ không tốt đã đành, nhưng, gần đây dấy lên lo ngại là quy trình đúng như cán bộ vẫn không tốt. Theo ông, phải lý giải điều này như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Điều đó thì là hình thức, làm không đến nơi đến chốn, không theo các quy trình nhưng vẫn lấy quy trình để biện minh cho việc đã làm. Chứ còn làm như thế thì gọi là tốt làm sao được, chắc chắn không đúng và có tiêu cực trong đó. Chưa kể trong hệ thống cán bộ người ta cũng nói rằng có tiêu cực, chứ đừng nói là trong kinh tế, trong xã hội, trong chạy trường, chạy bằng cấp...
PV:Nhiều người lấy làm lạ không hiểu vì sao ông Thanh qua được mấy vòng hiệp thương để được là ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóaXIV. Liệu rằng tới đây việc này sẽ xử lý ra sao,thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tới đây, Chủ tịch Quốc hội sẽ chỉ đạo, Đảng, Quốc hội sẽ chỉ đạo xử lý việc này. Đã sai thì phải xử. Còn vấn đề làm sao sai phạm như vậy nhưng cả quá trình vẫn lọt vào diện bầu cử, chẳng qua đây là việc thực hiện quy trình đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đều không đúng. Điều đó dẫn đến một cán bộ như vậy nhưng vẫn để như thế.
Trước đây cũng đã có cán bộ cấp cao, các ngành của Trung ương sai cả một quá trình nhưng cũng không hề nói được, không hề biết được. Đến khi họ về hưu, qua báo chí, qua nhân dân thì mới đi tìm tòi, xử lý. Những người như thế thì làm sao người dân yên tâm, tin được.
Vì vậy phải hết sức nghiêm túc, phát huy cao dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân, phát huy cao trách nhiệm của hệ thống làm tổ chức của Đảng cũng như hệ thống các cấp chính quyền.
PV: Người dân tin tưởng Mặt trận Tổ quốc là nơi thực hiện chức năng giám sát và tạo niềm tin cậy cho dân. Thế nhưng qua mấy vòng hiệp thương, vẫn để lọt trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh. Ông đánh giá thế nào về vai trò của MTTQ trong việc hiệp thương vừa qua?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi làm Chủ tịch Mặt trận hai khóa rồi, tôi mong phải giám sát, phản biện tốt. Làm chưa được, tôi cũng có trách nhiệm trong đó.
Tôi nghĩ rằng, mọi việc làm của Mặt trận để một cán bộ như vậy thì Mặt trận cũng là hình thức thôi, cũng hợp thức hóa các việc bài bản để triển khai trong khu dân cư, trong cơ quan… Chứng tỏ Mặt trận làm cái này không mang lại cái gì chất lượng, hiệu quả trong công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải tự thấy như vậy và Mặt trận cần phải rút kinh nghiệm. Việc phản biện, giám sát của Mặt trận có ý nghĩa vì đây là thay mặt nhân dân.
PV:Trong chuỗi sự việc này,liệu rằngchúng ta cónhìnthấy rõ trách nhiệmhay không?Thấy rồi thì xử lý như thế nào để kỷ cương, phép nước được nghiêm, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Muốn xử lý tốt thì đánh giá phải đúng. Quá trình làm, thẩm định sẽ kết luận được. Ai cấp biển xanh? Ai ký luân chuyển? Ai đánh giá tốt? Cấp nào đánh giá tốt?... tất cả những điều đó kết luận được chỉ có điều làm hay hay không làm thôi.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo, các cấp phải kiểm tra, kết luận nhanh. Kết luận rồi thì đúng đến mức nào thì xử lý đến mức đó. Đảng đã có điều lệ, quy định cả rồi. Tôi mong mọi việc cần phải làm sáng tỏ, cho đúng đắn, đừng có thiên tả, thiên hữu. Trên cơ sở đúng rồi thì phải kiên quyết xử lý thì dân mới tin.
PV:Xin cảm ơn ông./.