Những câu chuyện liên quan đến cán bộ công chức nhà nước thường được dư luận đặc biệt chú ý. Bởi những công bộc này ăn lương từ tiền thuế đóng góp của dân cho nên ngoài việc phải làm việc cho xứng đáng với đồng lương họ được nhận thì họ còn phải là lực lượng đi đầu phát triển đất nước, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Nhưng thực tế thì sao, nhiều người coi vị trí mình đang ngồi là cơ hội để kiếm tiền, vụ lợi cá nhân, có những thói hành xử không đúng chuẩn mực của người cán bộ, gây mất lòng tin nghiêm trọng của người dân đối với bộ máy công quyền.
Xe Lexus của Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang |
Hàng loạt vụ việc liên quan đến cán bộ trong cơ quan Nhà nước xảy ra thời gian vừa qua khiến dư luận thực sự bức xúc, thậm chí khiến người dân không còn tôn trọng cán bộ, như vụ: Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế va chạm giao thông rồi xúc phạm dân; Giám đốc Sở ở TP HCM tổ chức tiệc liên hoan trong giờ hành chính, bê trễ công việc cơ quan; Bác sĩ ở viện K thản nhiên nhận cả sấp phong bì của người bệnh và đặc biệt “nóng” là câu chuyện về Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus biển xanh khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, tưởng như đây là “cậu con của ông trời”. Ngỡ ngàng hơn, sau khi báo chí lên tiếng thì biển chiếc xe Lexus này đổi từ “xanh” thành “trắng”…
Liên quan đến vụ xe Lexus của vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Tổng bí thư đã có chỉ đạo làm rõ thông tin này. Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến coi đây là hành động “dán mác công vào xe tư” và ông cũng đề nghị cần xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội của vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Còn người dân thì đang rất trông mong vào việc xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội để làm gương cho xã hội, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân.
Còn câu chuyện của tân Giám đốc Sở LĐ-TB và XH TP HCM tổ chức tiệc liên hoan trong giờ làm việc thì sao? Hình ảnh phản cảm quá. Khi anh là người đứng đầu ngành ở một địa phương mà còn “tham ô” thời gian của Nhà nước để làm việc riêng như vậy thì sao chỉ đạo được nhân viên? Một cơ quan nhà nước mà làm việc theo lối “gia đình trị, bảo ban tình cảm”, không theo kỷ cương, kỷ luật nào thì sao có phép tắc. Trong vụ việc này, nói rằng, dù ăn tiệc mà công việc vẫn “chạy” thì có nghĩa không cần những người đi dự tiệc kia thì guồng máy hành chính của cơ quan đó vẫn hoạt động bình thường. Họ có thể được tinh giản biên chế mà không ảnh hưởng gì đến công việc chung?
Trong lúc chúng ta đang gặp vô cùng nhiều khó khăn trong công tác tinh giản biên chế thì vẫn có nhiều người trong giờ hành chính có thời gian đi uống cà phê, liên hoan, tiệc tùng... Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến công việc bị “ách” ở nhiều khâu và là nguyên do khiến bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng không hiệu quả? Chuyện bỏ trụ sở giờ hành chính đi liên hoan, tiệc tùng không phải chỉ có ở Sở LĐ-TB-XH TP HCM đâu mà ở rất nhiều nơi mà chưa bị lộ đấy thôi ạ.
Sau hàng loạt những vụ việc này, hậu quả lớn nhất là gì? Có lẽ dễ thấy nhất là mất niềm tin của người dân vào bộ máy hành chính, công quyền. Lẽ ra, những con người này phải là chỗ dựa niềm tin cho người dân nhưng chính họ lại đánh mất niềm tin nghiêm trọng. Đây cũng là lý do vì sao, trong xã hội hiện tại người ta tin vào những thông tin xấu hơn là những thông tin tốt.
Bộ máy hành chính công quyền là lực lượng tinh túy nhất của xã hội đã bị một số người làm hoen ố, gây mất lòng tin nơi người dân, ảnh hưởng tới niềm tin xã hội. Đơn cử, ra đường ai đó chẳng may gặp tai nạn, có người đến giúp mình thì cũng sợ vì có quá nhiều nạn nhân bị kẻ gian lợi dụng tình huống tai nạn để cắp đồ, móc túi. Hay để nói tốt cho một người nào đó thì người dân thường đặt dấu hỏi “phía sau đó là gì, có thật thế không”, nhưng nếu có một thông tin xấu thì họ sẵn sàng tin ngay mà không cần kiểm chứng.
Thời gian qua có quá nhiều sai phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nwocs thế nhưng khâu xử lý cán bộ vi phạm thì sao? Phần lớn là “giơ cao đánh khẽ”. Người dân không hiểu hình thức “khiển trách, cảnh cáo, chuyển công tác khác” thì có ý nghĩa gì bởi theo đánh giá chung thì các hình thức kỷ luật này chỉ mang tính “vuốt ve”, chẳng có tính răn đe, thậm chí nhiều người sau kỷ luật còn lên chức. Các hình thức xử lý này chỉ coi như “tạm thời” dừng việc một thời gian, sau khi tạm yên thì mọi việc lại về quỹ đạo trước.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế xúc phạm dân: Xin lỗi là xong?
Hành động của vị Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã gây bức xúc trong dư luận nhưng chỉ bị khiển trách khiến nhiều người không đồng tình, đặt dấu hỏi rằng đây là “con cháu các cụ”. Gần đây nhất, Trung tá công an Trần Hoàng Tấn, Đội trưởng đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ CA tỉnh Kiên Giang chèn ép doanh nghiệp, quan hệ bất chính nhưng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác, khiến dư luận thêm mất niềm tin vào lực lượng hành pháp…
Nếu vẫn còn những hình thức kỷ luật hời hợt, đánh chẳng trúng đâu như thời gian qua thì kỷ cương, phép nước vẫn bị coi nhẹ; vẫn còn những mảnh đất mầu mỡ cho các thói hư, tật xấu, cho tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu tồn tại và phát triển./.