Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế tỉnh Vĩnh Long năm 2021 tăng trưởng âm khoảng 1% so với năm trước. Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6%, GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 6.503 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu là 630 triệu USD...
Để thực hiện mục tiêu này, ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh tỉnh sẽ vẫn kiên trì các giải pháp quyết liệt để chống dịch đồng thời khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh có điều kiện phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
PV: Thưa ông, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn khá phức tạp trong những ngày đầu năm 2022. Để thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra cho năm 2022, Vĩnh Long chọn giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Vậy cụ thể là gì?
Ông Lữ Quang Ngời: Trước hết phải thực hiện song song với khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm góp phần phát triển kinh tế. Trong đó đáng chú ở các nhóm giải pháp cụ thể như: Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cho các hộ kinh doanh có điều kiện phục hồi duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với phải bảo đảm thích ứng an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 một cách lâu dài và hiệu quả.
Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đối với các cấp, các ngành và các địa phương phải thực hiện chủ động linh hoạt trong thực hiện chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tạo được sự đồng lòng và sự vào cuộc của mỗi người dân và tất cả các doanh nghiệp.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng để đảm bảo ổn định trong việc sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn không để gián đoạn chuỗi cung ứng giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.
PV: Một trong những vấn đề được doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 rất quan tâm là chính sách hỗ trợ sẽ được tỉnh triển khai như thế nào trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất được tốt hơn, thưa ông?
Ông Lữ Quang Ngời: Tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ các khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật cũng như các quy định hiện nay. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia để đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long. Phải làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội và nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh
PV: Thực tế năm 2021 cho thấy khi dịch bệnh bùng phát, ngoài khó khăn trong sản xuất, việc tiêu thụ hàng hóa nói chung trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Vậy Vĩnh Long sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?
Ông Lữ Quang Ngời: Tỉnh sẽ mở rộng hỗ trợ tìm kiếm tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Trong đó cần tăng cường công tác cung ứng về thông tin thị trường cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các nước. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường về quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh trên địa bàn các tỉnh cũng như trên sàn giao dịch thương mại điện tử và tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp tạo điều kiện kết nối cung cầu, tham gia các hội chợ triển lãm trên môi trường số.
PV: Thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải cách lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung cụ thể nào trong lĩnh vực này, thưa ông?
Ông Lữ Quang Ngời: Đổi mới cải tiến cách làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm để thích ứng với bối cảnh trong phòng chống dịch bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin các hoạt động trực tuyến trong công tác chỉ đạo điều hành. Các thủ tục hành chính phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công cũng như các công tác thông tin giới thiệu các danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư.
PV: Xin cảm ơn ông./.