Ngày 21/9, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) ở Geneva, Thụy Sỹ, Khóa họp thường niên lần thứ 61 Hội đồng của các nước thành viên WIPO đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 750 đại biểu từ 135 nước thành viên, cùng với các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ.
Đoàn Việt Nam tham dự do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Do tình hình đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Khóa họp thường niên của WIPO được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung tại trụ sở chính của WIPO tại Geneva. Khóa họp này cũng là Khóa họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng giám đốc WIPO đương nhiệm – Tiến sỹ Francis Gurry. Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của WIPO ông Daren Tang, trước đó là Giám đốc điều hành Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng giám đốc WIPO trong 6 năm kể từ ngày 01/10/2020.
Trong phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Francis Gurry đã báo cáo về hoạt động của WIPO trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo rằng sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương đang đặt ra một thách thức lớn đối với thế giới. Ông nhấn mạnh, “các tiến bộ về công nghệ đã kết nối con người với nhau theo những cách thức chưa từng biết đến nhưng đi kèm với đó là các dấu hiệu của sự đóng cửa ngày càng tăng, bao gồm cả chủ nghĩa bảo hộ”. Về tài chính của WIPO, Tổng giám đốc Gurry cho biết đại dịch Covid-19 tuy chưa ảnh hưởng xấu đến tài chính của WIPO, do các hoạt động của tổ chức chủ yếu được cấp kinh phí từ nguồn thu của WIPO từ việc cung cấp các dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu, nhưng cần phải theo dõi sát tiến triển của tình hình kinh tế toàn cầu.
Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm Daren Tang đã phát biểu tại phiên khai mạc, nhắc lại cảm ơn sâu sắc các nước thành viên đã tin tưởng bầu ông làm Tổng giám đốc mới của WIP, nhấn mạnh bày tỏ sự “ngưỡng mộ cao độ” của mình đối với “những kết quả xuất sắc” mà Tổng giám đốc WIPO đương nhiệm Francis Gurry đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ (12 năm) ông lãnh đạo WIPO và 25 năm gắn bó với công tác sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, ông cũng tái cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên WIPO trong thời gian tới, với lộ trình đã tuyên bố nhân dịp được bổ nhiệm hồi tháng 5 năm nay.
Trong phát biểu chung của ASEAN, đại diện cho các quốc gia thành viên ASEAN tại phiên khai mạc, Đại sứ TS. Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẳng định, trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, các nước ASEAN ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số và đổi mới sáng tạo, thiết lập hệ thống điện tử đăng ký và tiếp nhận hồ sơ về sở hữu trí tuệ (SHTT) để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan SHTT, tối đa hóa các hình thức làm việc từ xa để bảo đảm cung cấp dịch vụ SHTT kịp thời và có chất lượng cho các bên liên quan.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng thông tin về những kết quả nổi bật về SHTT của các nước ASEAN trong năm nay, như về chỉ số đổi mới sáng tạo, tham gia thêm vào một số điều ước quốc tế đa phương về SHTT, cũng như hợp tác khu vực với WIPO được Văn phòng WIPO; đồng thời nêu rõ, các nước ASEAN bày tỏ cảm ơn Tổng giám đốc WIPO đương nhiệm Francis Gurry về vai trò lãnh đạo và đóng góp to lớn cho thành tựu của WIPO thời gian qua và với niềm tự hào ASEAN chúc mừng và khẳng định ủng hộ, tin tưởng rằng Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm Daren Tang sẽ lãnh đạo WIPO tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn thời gian tới.
Bên cạnh tham gia 2 phát biểu chung của ASEAN và Nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hoạt động và thành tựu của WIPO trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Đại sứ nêu bật một số bước phát triển tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT từ đầu năm 2020 đến nay mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như sự tăng trưởng của các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp, bắt đầu triển khai thực hiện Hiệp ước La Hay và đã bắt đầu tiếp nhận gần 100 đơn Kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam theo Hiệp ước này.
Đại sứ nhấn mạnh, “Chúng tôi đã và đang thực hiện có hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và hầu hết các dự án do WIPO hỗ trợ, với trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số và đổi mới sáng tạo, đồng thời triển khai ứng phó với đại dịch”. Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng WIPO sẽ tiếp tục đạt tiến bộ trong việc tăng cường hệ thống quy tắc SHTT, bảo đảm cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện Chương trình phát triển của WIPO vì lợi ích của tất cả các nước thành viên, trong đó có quyền tiếp cận công bằng và với giá phải chăng đối với các loại vắc xin và công cụ ứng phó với Covid-19.
Chương trình nghị sự của Khóa họp năm nay được rút ngắn so với các năm trước đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không có các sự kiện bên lề. Khóa họp dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 25/09/2020./.