Ngày 21/8, tại Thủ đô San José, Costa Rica, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 7 (FMM 7) Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC) dưới chủ đề “Hai khu vực, một tầm nhìn” và với sự tham gia của 35/tổng số 36 nước thành viên, gồm 16 nước khu vực Đông Á và 19 nước khu vực Mỹ Latinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn. |
Trước đó, từ ngày 18-20/8, Costa Rica cũng đăng cai tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ 16 (SOM 16), các Phiên họp riêng biệt của bốn Nhóm công tác của Diễn đàn về các lĩnh vực: Hợp tác chính trị - xã hội và Phát triển bền vững; Văn hóa,Thanh niên, Giới và Thể thao; Thương mại, Đầu tư, Du lịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Khoa học - Công nghệ, Đổi mới và Giáo dục, cũng như các cuộc họp với đại diện các tổ chức tài chính - ngân hàng quốc tế và khu vực.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đã tham dự các hoạt động trên của Diễn đàn.
Sau phát biểu khai mạc của Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solís Rivera, Hội nghị FMM 7 đã tập trung trao đổi về phương hướng, các sáng kiến và biện pháp nhằm tiếp tục từng bước củng cố thể chế, tổ chức và nâng cao hiệu quả hợp tác của Diễn đàn thời gian tới.
Hội nghị đã nhất trí thông qua “Tuyên bố San José”, các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của SOM 16 và các Nhóm công tác; đánh giá cao các bước phát triển của Diễn đàn thời gian qua, thể hiện qua bước đột phá về cơ cấu tổ chức, tăng từ 3 lên 4 Nhóm công tác kể từ SOM 15 tổ chức tại Bangkok (8/2014), sự đóng góp ngày càng tích cực, hiệu quả của Ban Thư ký mạng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, cũng như số lượng dự án hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn gia tăng.
Bên cạnh các nội dung hợp tác cụ thể, “Tuyên bố San José” nhấn mạnh hoạt động và hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn được triển khai dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quốc tế đã được thừa nhận.
FMM 7 cũng thông qua văn bản “Hướng dẫn quy trình hoạt động của FEALAC” với nội dung xác lập cơ chế tổ chức điều hành của Diễn đàn; quyết định sử dụng “Mẫu khảo sát đăng ký dự án” theo sáng kiến của Ban Thư ký mạng nhằm tăng cường hệ thống hóa thông tin, kết nối và thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác.
Tham dự FMM 7, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thái Lan và Costa Rica trên cương vị Điều phối viên khu vực trong việc thúc đẩy tiến trình FEALAC nhiệm kỳ 2013 - 2015, cũng như công tác tổ chức thành công các Hội nghị lần này của nước chủ nhà Costa Rica; đồng thời, cảm ơn sự hợp tác của các nước thành viên dành cho Việt Nam và Ecuador trên cương vị đồng chủ trì Nhóm công tác về Văn hóa, Thanh niên, Giới và Thể thao nhiệm kỳ qua, cũng như sự tín nhiệm và ủng hộ hai nước tiếp tục đảm nhiệm cương vị này trong nhiệm kỳ 2015 - 2017.
Về tương lai phát triển của FEALAC, Trưởng Đoàn ta nhấn mạnh Diễn đàn cần ưu tiên thực hiện các các biện pháp lớn thời gian tới, gồm: tiếp tục hoàn thiện và thông qua các văn kiện chính thức về cơ cấu và tổ chức của Diễn đàn; nâng cao tính hiệu quả của Ban Thư mạng, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thúc đẩy lộ trình thành lập Ban Thư ký chính thức của Diễn đàn; sớm xây dựng Quỹ hợp tác chung của Diễn đàn thông qua các nguồn tài trợ bên ngoài hoặc từ các nước thành viên có tiềm lực; có cơ chế khuyến khích triển khai các dự án hợp tác ở tầm khu vực và liên khu vực, ưu tiên các lĩnh vực thu hút sự quan tâm chung của các nước thành viên, như đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, năng lượng sạch, đối phó với biến đổi khí hậu, phòng chống bệnh dịch; thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả trong và ngoài hai khu vực vào tiến trình FEALAC…
Nhân dịp này, Đoàn ta cũng mời các nước tiếp tục cử đoàn tham gia Festival Huế lần thứ 7 trong khuôn khổ Dự án “Giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ Latinh thông qua Festival Huế” và mời lãnh đạo các thành phố di sản văn hóa thuộc các nước thành viên FEALAC tham dự cuộc họp đầu tiên của dự án “Mạng lưới các thành phố văn hóa FEALAC” do Việt Nam đề xuất và đăng cai tổ chức tại Thành phố Huế vào cuối tháng 4/2016.
Hội nghị đã bầu Hàn Quốc và Goatemala làm nước Điều phối viên khu vực của Diễn đàn nhiệm kỳ 2015 - 2017, cũng như các nước đồng chủ trì các Nhóm công tác cùng nhiệm kỳ này, gồm: Nhóm công tác về Hợp tác Chính trị - Xã hội và Phát triển bền vững (Trung Quốc và Costa Rica); Nhóm công tác về Văn hóa, Thanh niên, Giới và Thể thao (Việt Nam và Ecuador); Nhóm công tác vềThương mại, Đầu tư, Du lịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Indonesia và Honduras); Nhóm Khoa học - Công nghệ, Đổi mới và Giáo dục (Nhật Bản và Columbia). Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 8 (FMM 8) của Diễn đàn sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc trong năm 2017.
Nhân dịp tham dự FMM 7/FEALAC, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cũng đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Urugoay Rodolfo Nin Nova, Thứ trưởng Ngoại giao Ecuador Leonardo Arizaga, Thứ trưởng Ngoại giao Columbia Patti Londoño Jaramillo, Trưởng Đoàn Cuba Gerardo Peñalver Portal, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama…
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên tập trung trao đổi về công tác phối hợp chuẩn bị cho các chuyến thăm chính thức lẫn nhau của Lãnh đạo Cấp cao ta và các nước diễn ra vào cuối năm 2015 và trong năm 2016; thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương, nhất là việc thúc đẩy tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho trao đổi hợp tác thông qua việc đàm phán đi đến ký kết các văn kiện hợp tác, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, nông nghiệp, văn hóa, khoa học - công nghệ.
Về hợp tác đa phương, các nước đều khẳng định mong muốn tiếp tục thắt chặt hơn nữa sự phối hợp và hợp tác với Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc; cam kết xem xét tích cực và thuận lợi đối với các đề nghị ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đổng Bảo an/Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, cũng như thúc đẩy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước đều chia sẻ và ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)./.