Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN – Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 5, tại Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 12-15/12/2013.

mekong-nhat-ban-1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 4, tháng 4/2012 tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh:VGP)

Việt Nam – Nhật Bản có quan hệ lâu đời. Ngay từ thế kỷ XVI, quan hệ thương mại giữa hai nước đã rất nhộn nhịp, để lại dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai nước. Sau này, tuy quan hệ hai nước có những bước thăm trầm, song kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân. Hai nước đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Về chính trị, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới mà tiêu biểu là việc hai nước nhất trí nâng khuôn khổ quan hệ lên “Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa ra chỉ đạo về phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương.

Cùng với Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, các cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực hợp tác cụ thể đã được hình thành, hợp tác giữa các Bộ, ngành ngày càng mở rộng, có hiệu quả thiết thực. Hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác Mekong - Nhật Bản…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm tại Hà Nội, tháng 1/2013

Nhật Bản là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Năm 2008 hai nước ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA). Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4/2009, hai bên đã ra Tuyên bố chung và khẳng định xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á”.

Từ đó đến nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Trong giai đoạn năm Tài khóa 1992-2011, tổng kim ngạch viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam lên tới hơn 2000 tỷ Yen (tương đương 19,7 tỷ USD) chiếm 30% tổng số viện trợ mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam.  

Việt Nam là một trong những nước triển khai hiệu quả viện trợ ODA của Nhật. Chính viện trợ này đã thúc đẩy mối quan hệ tin cậy và hữu nghị giữa hai nước. Năm 2013 trong một nghiên cứu do tổ chức JICA thực hiện hiện về “Nghiên cứu tác động của ODA Nhật Bản cho Việt Nam” đã có 67,6% số người được hỏi cho rằng viện trợ ODA của Nhật có “Đóng góp lớn” cho sự phát triển của Việt Nam.

Ngoài viện trợ ODA, ở lĩnh vực đầu tư, thương mại cũng có sự phát triển tốt đẹp. Về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20/2/2013, Nhật Bản có 1.885 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 29 tỷ USD, đứng 1/96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nếu như năm 2000 chỉ có 300 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam thì đến tháng 9/2012 con số này đã tăng lên 1.120 doanh nghiệp.

Về quan hệ thương mại, Việt Nam đã xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu và đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong năm 2012 là 24,663 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 13,06 tỷ USD và nhập khẩu đạt 11,603 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước tháng 1/2013 đạt 2,056 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,180 tỷ USD (tăng 34,86% so với cùng kỳ 2012), nhập khẩu đạt 0,876 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2012).

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giao lưu giữa các địa phương… cũng diễn ra rất sôi động. Năm 2012 đã có hơn 500.000 lượt người Nhật Bản sang thăm Việt Nam. Hiện Việt Nam có hơn 20.000 lưu học sinh, tu nghiệp sinh, thực tập sinh đang học tập, lao động tại Nhật Bản.

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật

Lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tiếp tục hợp tác triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng như Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, hai bên đang tiến những bước vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung năm 2011 là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại sau 10 năm…

Trong thời gian tới, quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy về chính trị, thực sự coi nhau là cơ hội phát triển.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản, song chuyến thăm lần này thể hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước đã đi vào chiều sâu, trở thành mối quan hệ tin cậy đóng góp vào sự phát triển của khu vực và thế giới./.