Đây là khẳng định của bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra tại Hà Nội. Trả lời phóng viên báo chí, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng ngoại giao đa phương, với chủ trương từ khi giành độc lập đến nay là phát triển quan hệ với Liên Hợp Quốc- tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

vov__trrm.jpg
Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.

“Kể từ khi trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc cách đây gần 4 thế kỷ, Việt Nam đã và luôn là thành viên rất tích cực của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Có thể nói những đóng góp của chúng ta trên cả 3 trụ cột hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người đều được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trên lĩnh vực hòa bình, an ninh, chúng ta luôn đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, bà Nguyễn Phương Nga nói.

Tín nhiệm của Việt Nam

Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Dù là lần đầu tiên tham gia, nhưng Việt Nam đã phát huy được rất tốt vai trò của mình, đồng thời tham gia rất tích cực trong giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, góp phần tăng cường hòa bình, an ninh trên thế giới.

Khi thúc đẩy được mục tiêu chung bảo vệ hòa bình thế giới, Việt Nam cũng tăng cường quan hệ đối tác với các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc một cách có trách nhiệm. Các sĩ quan của Việt Nam được đánh giá rất cao về tính kỷ luật, chuyên nghiệp, phát huy hết mình, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu trong thực hiện các chương trình nghị sự lớn của Liên Hợp Quốc, như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hay là việc thực hiện Sáng kiến về thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc. Ngôi nhà xanh của Liên Hợp Quốc trên đường Kim Mã (Hà Nội) là một trong những biểu tượng hết sức thành công cho sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

“Chúng ta đã được bầu là thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) 2 lần. Trong năm cuối cùng nhiệm kỳ gần đây nhất (2016-2018), chúng ta đã rất tích cực triển khai chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030. Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016”, bà Nguyễn Phương Nga nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất rất nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế đánh giá cao, như sáng kiến về tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người, nhất là quyền của những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em và người già. Có thể nói, thông qua tất cả các hoạt động tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã khẳng định được chủ trương của Đảng và Nhà nước, khẳng định là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm vào những hoạt động chung để xây dựng một thế giới hòa bình và phồn vinh.

Xu thế hợp tác đa phương

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với những diễn biến nhanh chóng, khó lường, đi kèm với nhiều thách thức và cả cơ hội, thì xu thế chính trên thế giới là hợp tác cùng phát triển. Hầu hết tất cả các nước, kể cả nước lớn, cũng như các nước nhỏ và vừa, đều coi trọng hợp tác đa phương, các thể chế đa phương, để tìm được cách xử lý, tìm giải pháp cho những vấn đề chung mà thế giới đang phải đối mặt.

Việt Nam cũng đã có vị thế quốc tế được khẳng định, bởi những thành tựu phát triển, bởi những kinh nghiệm đóng góp cho thế giới và những chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa và đa phương hóa. Vì thế, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm tham gia các diễn đàn đa phương lớn trên thế giới. Ngoài Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng rất thành công ở APEC và ASEAN.

Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga nhìn nhận: “Chúng ta có tâm thế và vị thế để đảm đương được những trọng trách lớn trong các tổ chức đa phương. Còn về thách thức thì cũng không hề nhỏ, cả truyền thống và phi truyền thống. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn rất gay gắt, thách thức nổi lên hiện nay là xu thế giảm nhẹ những cam kết, các hành động đơn phương, theo đuổi các lợi ích quốc gia dân tộc, chủ nghĩa dân túy”.

“Đây là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi tham gia các diễn đàn đa phương. Làm sao chúng ta vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia, lại vừa thúc đẩy được giá trị chung và đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại, hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Vì vậỵ, chúng ta phải đầu tư như thế nào vào nguồn lực để đối phó với những thách thức rất khác biệt, đan xen giữa phát triển với an ninh và quyền con người, làm sao để thúc đẩy được ưu tiên và hoàn thành các nghĩa vụ của mình, với vai trò là một nước thành viên”, bà Nguyễn Phương Nga nói thêm.

Cơ hội của Việt Nam khi ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

“Chúng ta có quyền kỳ vọng vào nhiệm kỳ sắp tới, khi Việt Nam có đủ khả năng được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Bởi Việt Nam có những thuận lợi nhất định khi mà tiếp tục tham gia ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc”, bà Nguyễn Phương Nga đánh giá.

Theo bà, các nước thành viên và bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, cùng hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp lớn hơn nữa, xứng đáng với sự phát triển, với vị thế của Việt Nam trong những công việc chung của thế giới. Bà Nguyễn Phương Nga đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam có sự đồng thuận từ lãnh đạo, các cơ quan bộ ngành từ trung ương đến địa phương trong quyết tâm hội nhập quốc tế sâu sắc hơn nữa.

“Chúng ta mới có chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm và nâng cao hiệu quả của đối ngoại đa phương trong thời kỳ mới. Có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, chúng ta sẽ chủ động được các nguồn lực của cả bộ máy chính trị để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Trước mắt, chúng ta vẫn phải tập trung nỗ lực để có thể vận động, để các nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao. Điều này sẽ cho thấy uy tín, sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam”, bà Nguyễn Phương Nga nói.

Đây cũng là thông điệp quan trọng nhất mà Việt Nam muốn truyền tải tới bạn bè quốc tế thông qua những hành động cụ thể tại Liên Hợp Quốc, nhất là khi hiện nay thách thức của Hội đồng Bảo an là làm thế nào gắn kết được phát triển bền vững với giữ vững hòa bình, để giải quyết tận gốc những nguyên nhân gốc rễ của xung đột và khủng hoảng. Việt Nam có kinh nghiệm vượt qua chiến tranh, xây dựng đất nước, hòa giải, hòa hợp dân tộc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế.

Việt Nam cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể tham gia vào Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả nhất. Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực cả về vật chất, tinh thần và con người, để có đủ khả năng đảm nhận nhiệm kỳ mới, áp lực lớn hơn và khối lượng công việc lớn hơn./.