Nhận lời mời của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta bắt đầu thăm cấp Nhà nước Đan Mạch từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2013. Chuyến thăm nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trên cơ sở ổn định, lâu dài và cùng có lợi.

Đan Mạch và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/11/1971 và là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong bối cảnh dân tộc Việt Nam vẫn đang trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập và sự thống nhất của Tổ quốc. Trong những năm gian khổ ấy, cùng với hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Đan Mạch đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Nhìn lại hơn 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ 2 nước không ngừng phát triển. Đan Mạch thường xuyên cử đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam Nữ hoàng Margrethe II (năm 2009), Thái tử kế vị Đan Mạch (2011); Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch (2012) và Thủ tướng Đan Mạch (2012). Trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2009, hai nước nhất trí nâng quan hệ thành Đối tác vì sự phát triển, trên cơ sở bình đẳng, ổn định, lâu dài và cùng có lợi, tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ. Đặc biệt, năm 2012, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh. Chính phủ Đan Mạch cũng đã chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia triển khai Chiến lược tăng trưởng thị trường với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng với hợp về chính trị, quan hệ kinh tế thương mại giữa 2 nước có bước tiến nhanh chóng. Là một trong những nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2013, Đan Mạch có 106 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 674 triệu USD, xếp thứ 25 trong tổng số 100 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 468 triệu USD. Đan Mạch cũng là một trong những nước thuộc  nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.

Kể từ năm 1971 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng gần 1,2 tỷ USD vốn ODA; được sử dụng trong các lĩnh vực: môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách tư pháp, giáo dục...

Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, với vị trí của  một nước phát triển tại Bắc Âu và Liên minh Châu Âu, quan hệ kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục…vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước. Chính vì thế, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này nhằm khẳng định tinh thần đề cao và mong muốn không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân 2 nước.

Chúng ta tin tưởng rằng, trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, mối thiện cảm mà hai dân tộc chia sẻ với nhau trong hơn 40 năm qua, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đan Mạch lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới./.