Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 (ban hành năm 2011). Quy định mới giữ nguyên số lượng 19 điều như trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp và bổ sung một số nội dung mới.
Tòa án độc lập xét xử là một trong những đặc điểm của nhà nước pháp quyền
Một trong hai điều hoàn toàn mới tại Quy định 37 đó là “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Quy định nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận, được đánh giá là rõ ràng, cần thiết, mang tính phòng ngừa, cảnh tỉnh, răn đe đối với đảng viên.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, quy định cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án không phải là điều mới mà đã được hiến định và được pháp luật cấm.
Tòa án độc lập xét xử là một trong những đặc điểm của nhà nước pháp quyền. Nếu hoạt động tư pháp bị can thiệp bởi cá nhân nào đó sẽ làm cho tính độc lập mất đi và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, Trung ương quy định điều này vào những điều đảng viên không được làm là hướng đến giáo dục, nhắc nhở mọi đảng viên nhớ để thực hiện.
Bên cạnh đó, Quy định 37 lần này mở rộng thêm nội dung nghiêm cấm đảng viên can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc “chạy án”, “chạy tội”, tạo áp lực rất lớn cho hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử.
Người có khả năng “tác động” phần lớn là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định, thậm chí có khả năng về tài chính, kinh tế. Cũng có những người nhờ vào mối quan hệ, thông qua những người có chức, có quyền khác để tác động vào hoạt động tư pháp, làm cho kết quả điều tra, truy tố, xét xử có thể bị sai lệch.
“Các biểu hiện này pháp luật đều đã có quy định cấm. Việc đưa nội dung này vào 19 điều đảng viên không được làm để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật; là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
Ông Trần Văn Độ nói như vậy và nhấn mạnh nếu đảng viên nào vi phạm quy định trên thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, còn nặng hơn nữa sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền can thiệp vào hoạt động tư pháp
Cùng chung quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nước ta có một hệ thống các quy phạm pháp luật xử lý vi phạm từ nhẹ đến nặng đối với mọi công dân Việt Nam nếu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Còn ở Quy định 37, Trung ương cụ thể hóa các nội dung cấm này đối với đảng viên để nhắc nhở, định hướng đảng viên phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bởi đâu đó vẫn còn tình trạng cấp ủy yêu cầu Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát hay Thủ trưởng cơ quan điều tra báo cáo kết quả điều tra, truy tố, xét xử hoặc can thiệp vào các hoạt động này; thậm chí có sự “nhờ vả” qua một cuộc điện thoại, nể nang, dẫn đến làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, làm cho việc giải quyết vụ án không đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật, trong khi đó theo quy định hoạt động tư pháp là độc lập.
Lấy ví dụ về việc Chủ tịch hay Bí thư tỉnh khi gặp một vụ việc liên quan đến người thân, họ có thể gọi điện cho thủ trưởng cơ quan CSĐT, Chánh án để tác động, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, thực tiễn này đã được Đảng thẳng thắn nhìn nhận và bổ sung quy định cấm nhằm tác động vào tâm lý đảng viên và tạo cơ chế giám sát giữa các đảng viên với nhau, cũng như cơ chế giám sát của người dân với các đảng viên.
Theo ông, pháp luật bất vị thân, không có ai đứng ngoài vòng pháp luật, kể cả người giữ chức vụ cao nhất đến đảng viên không có chức vụ đều được áp dụng pháp luật như nhau.
“Chức năng của tư pháp là bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền can thiệp vào hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, việc quy định đảng viên không được tác động, can thiệp vào hoạt động tư pháp là tiến bộ. Điều đó cho thấy Đảng đã theo sát thực tiễn xã hội chứ không phải là một quy định riêng biệt”- luật sư Trần Tuấn Anh cho biết./.