Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viên chức, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật Viên chức; Về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Về quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm việc viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Về hợp đồng làm việc và kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được dự tuyển làm viên chức nhằm thu hút chất xám cho sự phát triển đất nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công việc được tuyển dụng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng băn khoăn:“Khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài như thế nào? Hiện giờ họ đang là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhưng khi họ về nước và được tuyển dụng họ có còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài nữa không?”.
Nhiều đại biểu cho rằng: trong trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp của Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác nhau như: hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, chuyển giao công nghệ…
Về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức, nhiều đại biểu tán thành với quy định như trong dự thảo Luật. Bởi, thời gian qua, một số trường hợp tuy đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng được kéo dài thời gian làm việc để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị phải có quy định cụ thể các lĩnh vực có thể kéo dài thời gian làm việc như: tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục, chế độ, chính sách của viên chức khi thực hiện kéo dài thời gian làm việc.
Các đại biểu cho rằng, việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với viên chức là quyền lợi chính đáng, cần tôn trọng và thực hiện thống nhất theo quy định tại Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp cần tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn, kinh nghiệm công tác của viên chức đã nghỉ hưu thì sau khi giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng..
Trước đó, tại phiên làm việc sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng và nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31).
Ngày mai (30/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010./.