Sáng 31/1, tại TP HCM, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIII tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu Quốc hội, thành viên và nguyên thành viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đại diện Bộ, ban ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, bày tỏ quan điểm của mình không chỉ về lĩnh vực đối ngoại mà toàn bộ nội dung Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp trước hết phải thể hiện được đầy đủ giá trị lợi ích cốt lõi, tối thượng của dân tộc và nhân dân, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời hệ thống chính trị trong Hiến pháp phải thể hiện như thế nào để đúng với tư tưởng Nhà nước của dân, do dân, vì dân…
Cụ thể, một số ý kiến cho rằng “Lời nói đầu” của dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải động viên, xốc toàn dân đi tới, phải xuất phát từ quyền và lợi ích của nhân dân, là bản tuyên ngôn về ý chí dân tộc và chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nêu ý kiến: “Trong Điều 8 "Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân", tôi nghĩ chỉ cần ghi "để phục vụ nhân dân", còn "được tổ chức và hoàn thiện" là chuyện cụ thể phải làm. Còn đoạn "cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền..." tôi đề nghị thay bằng cụm từ rất đẹp và thể hiện học tập Bác Hồ "Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân và thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư". 8 chữ đó là đủ hết tất cả”.
Các đại biểu cũng nêu một vấn đề hiện nay là tỷ lệ trẻ em sinh ra không giới tính ngày càng gia tăng và thực tế này đã được nhiều quốc gia công nhận. Tuy nhiên, trong Hiến pháp chỉ ghi “nam, nữ có quyền bình đẳng” mà không đề cập đến những người không giới tính, vì vậy nên nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này vì đây cũng là quyền con người.
Nhiều ý kiến cho rằng, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong dự thảo Hiến pháp đã thể hiện được sự đổi mới, tuy nhiên cần phải làm rõ quyền, lợi ích và cả trách nhiệm một cách đầy đủ. Góp ý về Hội đồng Hiến pháp, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc hội nói: “Khi đặt ra Hội đồng Hiến pháp, tôi thấy quyền lực không có gì, chỉ có kiến nghị với yêu thì rõ ràng là thực quyền và thẩm quyền không đủ mạnh, không đủ sức bảo vệ Hiến pháp. Phải có một cơ quan là Hội đồng Hiến pháp có thể "thổi còi" tất cả các cơ quan nếu như có những ban hành văn bản pháp luật sai tinh thần cơ bản của Hiến pháp, kể cả Quốc hội. Theo tôi, cơ quan này phải đủ mạnh và đề nghị làm rõ trong Hội đồng này có số lượng bao nhiêu, cơ cấu thành phần và quyền hạn như thế nào?”./.