Chưa xây dựng thành công con người văn hóa?
Bàn về đổi mới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cuộc vận động của Mặt trận mới chỉ vận động ở khu dân cư mà bỏ trống trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Trong khi đó, ở học đường bạo lực gia tăng, đạo đức nhiều giáo viên xuống cấp; nhiều vụ án rùng rợn, gần đây là vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước…
Ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận chủ trì phát động qua 20 năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đã đến lúc cuộc vận động cần được chuyển đổi về chất.
“Cần chuyển hướng cuộc vận động này theo hướng vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” sẽ không tách riêng ra mà sẽ gắn vào cuộc vận động mục tiêu giảm nghèo bền vững. Quỹ vì người nghèo vẫn được giữ để để xây nhà đại đoàn kết và chăm lo Tết cho người nghèo”-ông Vũ Trọng Kim đề xuất.
Theo bà Đặng Huỳnh Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bên cạnh hai nội hàm xây dựng nông thôn mới và đô thi văn minh cần có các chương trình cụ thể để xây dựng nếp sống văn hóa, về giáo dục, giao thông, chấp hành luật pháp. Hiện nay trong xã hội việc chấp hành luật pháp trong người dân đang có vấn đề. Những gì càng cấm người dân càng hay vi phạm nên cần có một chương trình cụ thể để có thể xây dựng văn hóa trong chấp hành pháp luật, giáo dục giao thông.
Cần phải đổi mới về “chất” cuộc vận động
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, cần phải có bước tính toán cụ thể đổi mới cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua 20 năm thực hiện đã trở thành thương hiệu của Mặt trận nên cần có tổng kết để kết thúc cuộc vận động cũ và phát động cuộc vận động theo đúng tinh thần đổi mới.
Ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. cho rằng cần phải đổi tên cuộc vận động kết thúc một thời kỳ 20 năm để sang một cuộc vận động mới gắn với nội dung mới gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tuy nhiên theo ông Túc cũng cần phải có tổng kết 20 năm thực hiện và phải bàn sâu hơn để các nội dung cuộc vận động phong phú hơn.Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
“Mỗi vùng miền có đặc điểm khác nhau nên việc hướng dẫn áp dụng các nội dung của cuộc vận động cần sát với thực tiễn từng địa phương”, ông Túc nói.
Quan điểm đổi mới cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình nhất trí của các vị trong Đoàn chủ tịch để cuộc vận động có sức sống lâu hơn, bền bỉ hơn, hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, việc đổi mới tên gọi thành cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” với hai mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, khi triển khai thực hiện cần quan tâm đến việc cụ thể hóa 5 tiêu chí của cuộc vận động cho phù hợp với 19 tiêu chí của nông thôn mới cũng như nhu cầu thực tế của mỗi địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các địa phương sớm tiến hành tổng kết khen thưởng 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để đến 18/11 Trung ương tiến hành khen thưởng và phát động cuộc vận động mới./.