Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều 3 về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; thông qua điều 26 về đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát; thông qua điều 33 về đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội.

Về ý kiến đề nghị làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý và trả lời sau phản biện, UBTVQH nhận thấy Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của MTTQVN trong hoạt động phản biện xã hội cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản là phải trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận.

Trường hợp không tiếp thu kiến nghị thì phải giải trình; báo cáo ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành. Đây là những biện pháp cần thiết để bảo đảm tính khả thi cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận. 

bieu_quyet_thong_qua_rprx.jpg
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật

Mặt trận không giám sát Đảng, Đảng viên

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Có ý kiến cho rằng, nên quy định cụ thể trong Luật về MTTQVN giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định cụ thể việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.

UBTVQH cho rằng, việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia góp ý của Nhân dân, đã và đang được thực hiện bình thường, ổn định trong thời gian qua theo quy định của Đảng.

Tuy nhiên, theo UBTVQH, do đây là những nội dung mới được triển khai thực hiện theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội (được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị), cho nên cần có thêm thời gian để tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện rồi mới thể chế hoá trong Luật. Do đó, xin phép Quốc hội chưa nên luật hóa nội dung này trong Luật.

Thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng

Báo cáo cho biết, qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các vị ĐBQH đều khẳng định vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng trong thời gian qua.

Ban công tác Mặt trận không phải là một cấp nhưng là phương thức để triển khai hoạt động gắn với Nhân dân của Mặt trận ở cấp xã, bảo đảm kịp thời, rộng rãi, hiệu quả.

Mặt khác, trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng đã có quy định về Ban công tác Mặt trận.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này trong Luật MTTQVN để tránh cách hiểu Ban công tác Mặt trận như là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định Ủy ban MTTQVN cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng còn tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận sẽ do Điều lệ quy định./.