Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra từ 05-08/09, ngày 30/08 tại Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga đã diễn ra cuộc họp báo chuyên đề về chuyến thăm và hội thảo bàn tròn “Quan hệ Việt Nam và LB Nga: tiềm năng và phát triển” dưới sự chủ trì của ông Sergei Luzyani, Giám đốc Viện Viễn Đông, ông Andrei Ostrovski, Phó Giám đốc Viện Viễn Đông và ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông. 

nga_1_qbqw.jpg
Hội thảo “Quan hệ Việt Nam và LB Nga: tiềm năng và phát triển”
Tham dự sự kiện này, ngoài các học giả và các nhà nghiên cứu thuộc Viện Viễn Đông, Viện Phương Đông, Học viện Ngoại giao, Đại học Tổng hợp Xanh Saint Petersburg, Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Nga, Viện Kinh tế cao cấp, phóng viên của các hãng thông tấn Nước Nga ngày nay, Sputnik, Phương Đông của Nga, báo Sự thật… và phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và báo “Nhân Dân” thường trú tại LB Nga.

Phát biểu khai mạc cuộc họp báo, ông Sergei Luzyanin, Giám Đốc Viện Viễn Đông cho rằng, việc tổ chức 2 sự kiện ngay trước thềm chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vinh dự lớn của Viện này. 

 Các đại biểu tham dự hội thảo
Ông Sergei Luzyanin đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược Nga và Việt Nam trong những năm qua, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam là cầu nối trong quan hệ Nga - ASEAN, cũng như là đối tác đầu tiên trong khối ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). 

Ông Sergei Luzyanin cùng ông Vladimir Mazyrin thông tin về mục đích chuyến thăm và trả lời các câu hỏi của phóng viên về quan hệ hợp tác Nga - Việt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng… Ông Sergei Luzyanin(Giám Đốc Viện Viễn Đông) khẳng định, chuyến thăm LB Nga lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần củng cố về chất và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương Nga - Việt trên mọi lĩnh vực, đồng thời sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương Nga - Việt. 

Tiếp ngay sau cuộc họp báo chuyên đề là Hội thảo bàn tròn “Quan hệ Việt Nam và LB Nga: tiềm năng và phát triển”. Mười hai tham luận tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: Hợp tác song phương Nga - Việt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, văn hoá, kỹ thuật - quân sự; Chính sách đổi mới và Chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam; Vấn đề lòng tin và hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế; Vai trò cầu nối của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Nga; Tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với Việt Nam đến thương mại song phương; Nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Nga - Việt, cũng như chiến lược của Việt Nam và Nga đối với dự án “Vành đai và con đường”; khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như là nhân tố trong quan hệ Nga - Việt…

Các đại biểu tập trung thảo luận về hiện trạng quan hệ song phương Nga-Việt
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hiện trạng của quan hệ song phương Nga - Việt, khẳng định Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác chính tại khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng, quan hệ chính trị giữa hai nước luôn ở mức cao, tuy nhiên hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 bên. 

Các phát biểu tại hội thảo cũng phân tích, đánh giá sâu những triển vọng của quan hệ song phương nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với Việt Nam, cũng như xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Nga.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những trở ngại trong quan hệ song phương như: sự thiếu thông tin về thị trường, khả năng hoạt động kinh doanh, sự hạn chế các nguồn lực đầu tư của cả 2 nước, khả năng cạnh tranh thấp của hàng hoá xuất khẩu, thương mại và đầu tư song phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phụ thuộc vào tỷ giá của đồng nội tệ với đô la Mỹ... Do vậy, để giải quyết những vấn đề trên, hai nước cần nâng cao các biện pháp xây dựng lòng tin, phải thừa nhận các giá trị của nhau, thiết lập các cơ chế hợp tác và không gian thông tin mở, xác định một danh mục các hành động chung, nhanh chóng thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng nội tệ. 

Theo số liệu của LB Nga, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục đạt mức 5,2 tỷ USD, cao nhất từ năm 1991 đến nay. Theo số liệu của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2017. Ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông hy vọng kết quả chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng này, đưa kim ngạch 2 nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 như kế hoạch đề ra. 

Để làm được điều này, ông Vladimir Mazyrin đề xuất một số biện pháp thúc đẩy thương mại song phương Nga - Việt, cũng như tận dụng các lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU đem lại. Theo đó, ông Vladimir Mazyrin hy vọng chuyến thăm Nga lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giải quyết được một số vấn đề còn tồn đọng.

“Tôi nghĩ rằng, để tận dụng các lợi thế của Hiệp định thương mại tự do, các bên cần tích cực mua bán những hàng hoá được giảm thuế và có thuế suất bằng 0, mà hiện tại danh mục này chiếm khoảng 3% và sẽ còn tăng thêm. Thực tế gần 2 năm sau khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã khẳng định đây chính là động lực để phát triển. Theo số liệu thống kê, thì số lượng hàng hoá được mua bán giữa 2 bên đã tăng từ 2 cho tới 10-15 lần", ông Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông khẳng định. 

Một vấn đề còn tồn tại nữa từ lâu vẫn chưa được giải quyết, mặc dù đã có cơ chế chính thức, đó là vấn đề thanh toán song phương bằng đồng nội tệ, nghĩa là bằng đồng rúp của Nga và tiền đồng của Việt Nam. Việc thanh toán bằng đồng đô la Mỹ sẽ gây khó khăn cho cả 2 phía, đặc biệt phía Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đang có hiệu lực, do việc thanh toán các thương vụ qua các ngân hàng nước ngoài bị phong toả. 

Một đề xuất khác là 2 bên cần tăng cường các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Việt Nam có ưu thế, trong khi ở Nga thì việc mua bán chủ yếu được thực hiện bằng các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Đây chính là tiềm năng của phía Nga cần khuyến khích phát triển, để các doanh nghiệp tư nhân của Nga tích cực hơn trong buôn bán với Việt Nam thì cần có sự bảo lãnh thương mại và tài chính, cũng như thực hiện theo đúng chuẩn mực của thế giới”.

Tiến sỹ Grigory Lokshin, chuyên viên cao cấp của Viện Viễn Đông, cũng đánh giá cao chuyến thăm Nga sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cho rằng, việc tổ chức hội thảo 1 tuần trước chuyến thăm sẽ thu hút dư luận Nga về sự kiện này. 

Theo ông Grigory Lokshin, cho đến nay, nhiều người Nga vẫn hình dung về Việt Nam như ở thời chiến tranh với Mỹ và là người bạn cần giúp đỡ, nhưng thời thế đã thay đổi, cả Việt Nam và Nga đều đã đổi thay. Do vậy cần có một cách tiếp cận khác đối với cả 2 phía và cần khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích của cả 2 nước. Ông Grigory Lokshin cũng đề cao vai trò ngoại giao nhân dân, đồng thời cho rằng cần tăng cường đối thoại, giao lưu ở các cấp để nhân dân 2 nước hiểu rõ lợi ích của nhau. Ông Grigory Lokshin khẳng định: “Hàng triệu người dân thường, các doanh nhân, khách du lịch sẽ chính là những người xây dựng nên tình hữu nghị. Như người ta nói, không có bạn bè mãi mãi, cũng như không có kẻ thù mãi mãi, mà chỉ có lợi ích là mãi mãi. Và lợi ích giữa Việt Nam và Nga là hiện hữu, cần phải xác định rõ, nắm lấy và hiện thực hoá nó”.

Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo bàn tròn “Quan hệ Việt Nam và LB Nga: tiềm năng và phát triển”, ông Vladimir Mazyrin cho biết: “Hội thảo bàn tròn này được tổ chức là nhằm để chào đón chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng vì tại đây đã tập trung nhiều nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam và nội dung của nó bao gồm tất cả các khía cạnh về quan hệ với Việt Nam, trong đó có cả một loạt những vấn đề mới có liên quan gián tiếp đến quan hệ song phương như: nhân tố khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, lợi ích đan xen với Trung Quốc trong dự án “Vành đai và con đường”. 

Cần phải nói rằng những tư liệu, các ý kiến và nhận xét thu nhận được rất rộng và khách quan, nhiều đề xuất cụ thể. Vì vậy hội thảo này mang tính thực tiễn cao, không chỉ mang tính chất phân tích thực trạng quan hệ song phương, mà còn góp phần đưa ra những khuyến nghị tương ứng”.

Hội thảo bàn tròn “Quan hệ Việt Nam và LB Nga: tiềm năng và phát triển” là một biện pháp thiết thực nhằm củng cố quan hệ song phương ngay trước thềm chuyến thăm LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.