Sáng nay (23/4), tại TP.HCM, Sở Tư pháp thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Luật Giám định tư pháp, với sự tham dự của 300 đại biểu là lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát, đại diện các Sở ngành, quận-huyện; các báo cáo viên pháp luật, các tổ chức giám định tư pháp và các giám định viên.

Hội nghị đã giới thiệu một số điểm mới trong Luật giám định tư pháp vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ tháng 1 năm nay, như: quy định điều chỉnh về chức danh giám định viên, mô hình tổ chức giám định tư pháp và trình tự thủ tục giám định tư pháp; đồng thời phân tích nhiều điểm mới, tiến bộ so với Pháp lệnh giám định tư pháp trước đây.

Ngoài việc bổ sung quyền yêu cầu giám định tư pháp, chức danh giám định viên tư pháp, Luật Giám định tư pháp đã quy định tổ chức giám định tư pháp có hai loại công lập và ngoài công lập, theo đó cho phép thành lập các văn phòng giám định tư nhân trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả.

Đây là một điểm mới hoàn toàn, bước đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giám định tư pháp, cho thấy sự dân chủ trong đời sống pháp luật nói chung và trong hoạt động tố tụng nói riêng.

Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP HCM cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện nay cũng đang có nhu cầu này trong lĩnh vực xây dựng, tài chính. Từ kinh nghiệm xã hội hóa trong các lĩnh vực khác, điển hình là công chứng thì chúng tôi có niềm tin là thành phố sẽ đi đầu trong việc thành lập các văn phòng giám định tư nhân và sẽ thành công. Hiện nay TP đã kết luận trên tinh thần Luật giám định tư pháp sẽ triển khai cho phép thành lập các văn phòng trong thời gian sớm nhất"./.