Trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII vào sáng 10/12, vấn đề giao thông, xe buýt, và tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các đại biểu tập trung chất vấn.

dai_bieu_tphcm_hqda.jpg
Đại biểu tham dự kỳ họp HĐND TPHCM (Ảnh: SGGP)

Các đại biểu đều băn khoăn về sản lượng vận tải hành khách công cộng không đạt chỉ tiêu đặt ra. Bởi lẽ, kế hoạch năm 2015 phải đạt khoảng 600 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận tải bằng xe buýt và tắc xi, đáp ứng 9,8% nhu cầu đi lại của người dân. Thế nhưng hiện nay, chỉ tính riêng vận tải xe buýt, cả năm 2015 cũng chỉ đạt khoảng 367,7 triệu lượt, thấp hơn những năm trước khoảng hơn 400 triệu lượt hành khách.

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm giảm chỉ tiêu này, mà đơn cử là kiểm việc chưa kiểm soát được phương tiện cá nhân. Hiện nay, xe gắn máy là phương tiện cá nhân chủ đạo của người dân thành phố đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, thành phố chưa hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém, chưa có làn đường dành riêng, dẫn đến dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp cùng xe máy và ôtô.

Lãnh đạo này cho biết, hiện quỹ đất dành cho hoạt động vận tải hành khách công cộng chỉ có khoảng 26/191ha, đạt 13,7% so với chỉ tiêu quy hoạch… Để giải quyết vấn đề này, ngành giao thông thành phố sẽ tập trung giải quyết nhiều vấn đề về quản lý, cơ sở hạ tầng và chính sách, trong đó xây dựng mô hình trợ giá xe buýt tiên tiến.

Ông Bùi Xuân Cường cho rằng: “Hiện nay phải tính toán phương án trợ giá thực tế đến người sử dụng trên đầu phương tiện sử dụng, qua đó tính được số lượng công cụ quản lý, cụ thể là sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, vé thông minh không tiếp xúc và hệ thống thu phí tự động. Sau này sẽ tiến hành tích hợp chung”.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các đại biểu quan ngại liệu các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể lưu hành các thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc mà người dân không nắm bắt được; việc các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan nhưng chế tài xử phạt chưa cao, chưa thực hiện đóng cửa các cơ sở vi phạm nghiêm trọng…Vì vậy mà người dân thành phố ngày càng thấy bất an trước tình hình sử dụng chất cấm, chất tăng trọng quá quy định trong chăn nuôi, trong khi đó các ngành chức năng lại không kiếm soát được.

Giải quyết vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn này, có rất nhiều ngành chức năng của thành phố đã trả lời, như đại diện Sở Công thương, Sở Y tế, Chi Cục Quản lý Thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương thành phố, hiện nay có 5 doanh nghiệp đã đăng ký 246 điểm bán thực phẩm an toàn, cam kết có sự kiểm soát về đầu vào, đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những điểm bán của các doanh nghiệp này sẽ bị kiểm tra thường xuyên, đột xuất để giữ uy tín đối với người dân.

Ông Khoa khẳng định: “Cố gắng làm thật chắc chắn 246 điểm bán đầu tiên này, sau đó sẽ triển khai theo nhịp độ và theo kế hoạch, đảm bảo sự chắc chắc. Tiến tới sẽ tiếp tục phối hợp các sở để mở rộng ra các chợ, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn”.

Đại diện của các Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường, lãnh đạo các địa phương cũng đã nêu ra một số giải pháp, như: việc tăng cường mô hình để giảm ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn; liên kết với các đơn vị là các khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển các tổ tự quản về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn những vấn đề về quy hoạch đô thị, giảm ùn tắc giao thông và các giải pháp chống ngập... mà trong phiên buổi sáng, đại diện các ngành chưa trả lời được./.