Đại diện một hãng xe đang kinh doanh hoạt động tại Bến xe Miền Đông thừa nhận, thời gian gần đây lượng khách đi lại của hãng này giảm so với trước. Lý do là việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hiện tượng cò vé của các hãng xe chạy cạnh tranh cùng tuyến. Thêm nữa, hiện tượng “xe dù, bến cóc” tồn tại nhiều ở khu vực xung quanh bến xe hoặc đón bắt khách dọc đường tại các cây xăng trên Quốc lộ 13 vẫn còn phổ biến.
Anh Nguyễn Lan, tài xế chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang cho biết, “giá niêm yết tuyến trên là 180.000 đồng/lượt nhưng các xe dù cạnh tranh chạy phá giá, thậm chí giá thấp 130 - 140 ngàn/khách cũng đi. Cần khắc phục nạn cò khách là điều tốt nhất”.
Hành khách tại Bến xe miền Tây |
Không khó để lý giải nguyên nhân các xe dần bỏ bến tại Bến xe Miền Đông khi mà khách hàng đã không còn thói quen phải đến các bến xe để mua vé như trước mà chỉ cần ngồi nhà đặt vé qua điện thoại hoặc trên mạng internet cùng các dịch vụ khác. Xe mới hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn nên người dân dễ lựa chọn.
Chị Trần Thị Bích, ngụ quận Bình Thạnh cho hay: “Trước đây, tôi cũng có ra bến xe để mua vé nhưng sau này thường đi xe ở ngoài vì tiện dụng. Giá rẻ hơn trong khi dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là tôi không cần phải ra mua vé mà chỉ cần gọi điện đặt vé và ngồi nhà chơi, chờ đến giờ thì xe sẽ đón tận nơi. Tôi nghĩ đây là mô hình hay và tiện dụng và nên mở rộng”.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Bến xe Miền Đông sụt giảm sản lượng khách 5% mỗi năm. Từ trung bình 1.600 lượt xe xuất bến với khoảng 25.000 lượt khách/ngày thì nay chỉ còn khoảng 900 lượt xe với khoảng 20.000 lượt khách. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, lượng xe đăng kí tại bến chỉ còn khoảng 3.000 xe, giảm 1.000 xe so với 5 năm trước. Phần lớn các xe này bỏ ra ngoài để hoạt động, kinh doanh xe dù, cạnh tranh thiếu lành mạnh, núp bóng giấy phép kinh doanh tour tuyến du lịch để vận chuyển hành khách.
Ông Thượng Thanh Hải đề nghị: “Đưa xe đến tận khu dân cư trung tâm nội thành nhưng không ai kiểm sát. Giá vé ngày thường hạ thấp, lễ tết tăng vô tội vạ, xe tốt hay xấu, an toàn hay không cũng không ai kiểm tra, hoạt động rất tự do thoải mái. Tôi đề nghị lực lượng thực thi đúng pháp luật. Rõ ràng xe ghi là hợp đồng nhưng mà chạy tuyến cố định, điều này chỉ cần hỏi hành khách là rõ thôi”.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây, hiện tượng này là có nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của bến xe. Bằng chứng là tuy xung quanh bến xe vẫn còn có số ít xe dù hoạt động, vẫn có hiện tượng "chân ngoài chân trong" nhưng những năm qua, số lượng xe đăng kí mới tại bến này vẫn tăng. Tuy nhiên, hiện tượng các xe khách dần bỏ bến để hoạt động bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận tải và tiềm ẩn các nguy cơ ùn tắc trong nội thành.
Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông, việc Bến xe Miền Đông bị giảm số xe đăng kí nên được nhìn nhận một cách cặn kẽ trước khi đưa ra kết luận. Bởi việc số lượng xe trong bến giảm không đồng nghĩa với việc các xe này bỏ bến để hoạt động chui, xe dù mà có thể chuyển qua xe chạy hợp đồng hoặc không chạy nữa. Vấn đề là nếu như xác định được các xe bỏ ra ngoài để chạy dù thì dứt khoát phải chấn chỉnh.
TS. Phạm Sanh cho rằng, đã đến lúc phải xem lại qui hoạch về giao thông bến xe, xe liên tỉnh chứ không phải Thành phố Hồ Chí Minh chỉ Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, mà phải nhiều bến và xã hội hóa, có thể bến đó chỉ có một hãng xe hoặc nhiều hãng. Phải đa dạng hóa các loại hình phục vụ người dân; quản lý, định hướng chứ không bao cấp và bắt người dân phải vào bến nữa. Nên ủng hộ các hình thức đổi mới và không sai luật và lại phục vụ tốt người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông quan trọng nhất khu vực phía Nam, vì thế ngành giao thông phải nghiêm túc tính toán lại bài toán qui hoạch bến xe để vừa đảm bảo công tác quản lý mà vẫn mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân, đảm bảo quyền lợi của các bến xe, hãng xe./.