Sáng 8/1, tại Hà Nội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong tranh thực hiện tiếp công dân định kỳ tháng 1/2016, qua đó, xem xét vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của đại diện cho 72 hộ dân trú tại An Dương, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Dự buổi tiếp dân còn có lãnh đạo UBND TP Hà Nội, quận Tây Hồ và đại diện các hộ dân; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức JICA (Nhật Bản).

tong_thanh_tra1_uvtx.jpg
Buổi tiếp công dân có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức JICA dự

Dự án kéo dài, người dân bức xúc

Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ được triển khai từ năm 1990. Ngày 28/9/1999, Nhà nước ban hành Quyết định 914 thu hồi gần 14.000 m2 đất giao cho công ty Trách nhiệm hữu hạn IDC thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do chưa có sự đồng thuận của 72/124 hộ dân và do có thay đổi về pháp luật, chính sách chế độ nên đến nay mới thu hồi, giải phóng được trên 7.900 m2, còn lại trên 6.000 m2 đất chưa giải phóng mặt bằng. Một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, do còn vướng mắc nên số tiền trên 1 tỷ đồng san lấp mặt bằng mà Thành phố Hà Nội “nợ” chủ đầu tư cũng chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại buổi tiếp, đại diện các hộ dân là ông Nguyễn Hải Đường kiến nghị với Tổng Thanh tra Chính phủ cho thanh tra, điều tra xem xét trách nhiệm. Người dân nào lấn chiếm đất dự án thì Nhà nước cương quyết thu hồi; hộ dân nào “bị giam đất” nhiều năm nay thì xem xét cho làm sổ đỏ và bồi thường thiệt hại.

“Người dân sống và tuân thủ theo pháp luật, nhưng có người 50 năm nay sống trong sợ hãi. Bởi nhiều người tái định cư tại đây khi khu vực còn hoang hóa, ao tù nước đọng. Giờ lấy đất làm dự án mà người dân chưa được thụ hưởng gì thì người dân bức xúc”, ông Đường bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Đường đại diện cho các hộ dân phản ánh ý kiến tới Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Đại diện các hộ dân còn cho biết không nhận được bất kỳ chỉ đạo giải quyết nào từ TP Hà Nội và băn khoăn khi chủ trương dành 30% quỹ đất dự án xây nhà dành cho đối tượng thu nhập thấp không được thực hiện nghiêm túc.

“Thành phố luôn vận dụng tối đa chính sách cho người dân”

Phó Chủ tịch Tp Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, đây là dự án với mục tiêu bao trùm là xây dựng hạ tầng xã hội đồng bộ, trong đó có xác định khu đô thị để góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại hơn.

Về tỷ lệ đất dành xây nhà cho đối tượng thu nhập thấp, Phó Chủ tịch Hà Nội nói: “Hiện nay theo Luật Thủ đô thì tất cả dự án thương mại để lại 25% diện tích, theo Luật Xây dựng tỷ lệ này là 20%. Với chủ trương dành 30% thì Thủ đô đi đầu trong để đất cho người thu nhập thấp và ý thức ngay từ đầu để cân đối khi chưa có luật”.

Trước ý kiến cho rằng các hộ dân có đơn thư nhưng Thành phố chưa quan tâm giải quyết, ông Khanh dẫn nhiều văn bản và khẳng định, từ 2009, UBND TP có công văn chỉ đạo Ban chỉ đạo giải phóng, UBND quận Tây Hồ và chủ đầu tư báo cáo đề xuất tất cả khó khăn vướng mắc để Thành phố giải quyết.

Đầu năm 2010, Thành phố tiếp tục có công văn chấp thuận cho chủ đầu tư thuê quỹ nhà tái định cư ở Tây Hồ để phục vụ giải phóng mặt bằng dự án. Ngày 16/11/2010, Thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án theo hướng bố trí diện tích xây nhà tái định cư tại chỗ cho hộ dân. Tuy nhiên khi lấy ý kiến thì người dân không đồng ý và tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương.

“Quận Tây Hồ, chủ đầu tư thời điểm đó đặt vấn đề không nên giải toả toàn bộ mà nên tạo điều kiện cho người dân tái định cư tại chỗ. Thành phố đồng ý ngay vì mục đích chung là xây dựng khu đô thị văn minh hiện đại nên thay vì xây bán thì dành quỹ đất làm nhà bán cho hộ dân ngay trên thửa đất đó. Nhưng nhiều hộ không đồng ý chứ không phải Thành phố không giải quyết”, ông Khanh khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh

Phó Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Thành phố đã làm việc với chủ đầu tư và có hướng giao chủ đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch ở khu vực đã nhận đất sạch. Phần đất còn lại của 72 hộ dân sẽ được tách ra, tiến hành chỉnh trang để đáp ứng quy hoạch chung của Thủ đô.

“Mục tiêu là đảm bảo khu dân cư văn minh, hiện đại hơn thì tiếp tục chỉnh trang. Thay vì xây để bán thì giờ người dân ở lại, tự nguyện chỉnh trang theo quy hoạch. Quan điểm Thành phố bao giờ cũng vận dụng tối đa chính sách, không trái luật để đảm bảo lợi ích cho người dân. Không có chuyện người dân gửi lên Thành phố mà Thành phố không có ý kiến gì”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói

Báo cáo Thủ tướng, giải quyết ngay trong quý II/2016

Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh cuộc tiếp công dân diễn ra thẳng thắn, dân chủ và nhiều vấn đề được làm sáng tỏ.

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc triển khai Dự án là phục vụ cho sự phát triển của xã hội, làm cho thủ đô văn minh, đúng mục đích, yêu cầu chứ không phải tự phát, đúng trình tự pháp luật. Trình tự, thủ tục, thu hồi, phương án đền bù được thực hiện theo đúng quy định và có sự đồng thuận mà biểu hiện là có 54 hộ đồng thuận, trên 56% diện tích đã được giải phóng mặt bằng. Đồng thời, hoan nghênh chủ đầu tư đã có sự tích cực.

Tuy nhiên, Dự án không được giải quyết ráo riết, kéo dài 16 năm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, ảnh hưởng tới tài sản đất đai của xã hội và lợi ích người dân. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm để triển khai dự án khác đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và của chủ đầu tư.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ những hạn chế khiến dự án kéo dài dẫn đến người dân khiếu nại, bức xúc

Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện nhưng nguyên nhân cần được nhìn nhận khách quan, công bằng.

Về khách quan, do có sự thay đổi về quy định pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đê điều cũng như tổ chức của TP Hà Nội như ban giải phóng mặt bằng, cơ cấu cán bộ... đã làm chậm dự án.

Trong nguyên nhân chủ quan có vấn đề khả năng của chủ đầu tư và khi nhận thấy hiệu quả kinh doanh ở diện tích chưa được thu hồi không cao đã chủ động đề xuất Thành phố điều chỉnh quy hoạch.

Cùng với đó do nhận thức của các hộ dân và việc tiếp nhận một số thông tin không chính xác nên tạo sự đồng thuận với chính quyền chưa tốt.

Phía chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo chưa ráo riết. Bởi người dân khiếu nại lâu nhưng chưa đề ra kế hoạch xác định thời điểm giải quyết dứt điểm.

“Cả chính quyền, chủ đầu tư và người dân cần rút kinh nghiệm”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói.

Kết luận hướng giải quyết vụ việc, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, đối với diện tích đã giải phóng giao công ty IDC thì tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật. Trên 6000m2 đất còn lại ảnh hưởng đến 72 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng, Thanh tra thống nhất với TP Hà Nội và quận Tây Hồ báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích này ra khỏi dự án. Trên cơ sở đó căn cứ quy hoạch tiến hành rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện và phải có hướng dẫn cho những hộ chưa đủ điều kiện.

Ông Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, sau khi tiếp cận hồ sơ, báo cáo và ý kiến của người dân, vấn đề đã khá rõ nên việc thanh tra thời điểm này là chưa cần thiết. Giao Cục I, Ban tiếp công dân Trung ương theo dõi sát, phối hợp với Hà Nội để khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành thanh tra làm rõ theo pháp luật.

“Việc giải quyết quyền lợi cho bà con là khẩn trương trong khi dấu hiệu vi phạm chưa rõ nên chưa tiến hành thanh tra. Chính sách cụ thể với từng trường hợp giao TP Hà Nội xem xét hướng dẫn vì đây là yêu cầu chính đáng, thiết thực của người dân. Sau khi báo cáo Thủ tướng và nhận được đồng ý thì tiến hành thực hiện và kết thúc trong quý II/2016”, ông Huỳnh Phong Tranh nêu rõ./.