Gia đình ông Djati Soeroso và bà Sri Wilis Soeroso là nhân chứng sống, đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ năm 1967-1972 khi ông Djati nhận nhiệm vụ cán bộ thông tin của Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam. Trong những năm tháng ấy có biết bao kỉ niệm đã được phu nhân của ông là bà Sri Wilis ghi chép đầy đủ trong cuốn sách “Ký ức không quên”. Có một chương trong cuốn sách đã ghi lại chi tiết ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam ra đi.
“Tôi vẫn còn nhớ ngày 2/9/1969 là ngày độc lập của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bầu không khí hôm đó rất buồn, các hoạt động văn hóa văn nghệ đều bị hủy bỏ. Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi những bài hát buồn và những bài thơ về Bác Hồ. Thì ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ốm nặng và qua đời”.
Bà Wilis kể rằng, vào ngày Bác mất, toàn thể người dân Việt Nam đều đeo băng tang đen đỏ trên ngực, mắt sưng húp vì khóc thương Bác Hồ. Không còn tiếng rao của người bán rong, tiếng xe cộ, tiếng nói cười. Theo ghi chép của bà Wilis, đoàn đại biểu Indonesia do Bộ trưởng Bộ Thông tin Indonesia thời đó, ông Boediarjo dẫn đầu cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên ĐSQ Indonesia đã mang theo vòng hoa Lan đặc biệt từ Indonesia vào lăng đặt vòng hoa viếng Bác. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn ngập hoa viếng của bạn bè quốc tế. Đoàn đại biểu Indonesia kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu Hồ Chí Minh để mặc niệm trong tiếng kèn nổi giai điệu tang lễ để tiễn đưa người bạn lớn của dân tộc Indonesia về đất mẹ.
“Các đoàn đại biểu từ các nước trên thế giới đều đến để dự lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ nằm trong quan tài bằng kính với bộ quần áo kaki trắng, khuôn mặt đôn hậu, chòm râu dài trắng muốt, hai tay chắp trước ngực. Bên dưới chân Bác được đặt một đôi dép cao su màu đen mà Người vẫn đi hàng ngày. Trông Bác Hồ như đang ngủ vậy. Hàng ngàn người dân đeo băng tang dự lễ truy điệu Bác ở Quảng trường Ba Đình. Từ thời khắc đó, tôi hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “vị cha già dân tộc kính yêu “ của dân tộc Việt Nam”.
Lần đầu tiên tiên bà được tham dự một lễ tang nguyên thủ nước ngoài cũng là lần đầu bà được chứng kiến tình cảm của nhân dân Việt Nam với vị lãnh tụ dân tộc. Những hàng người dài đứng hai bên đường tiễn biệt Bác lần cuối. Ở tất cả các ngã tư đường, đài phát thanh đều phát đi những giai điệu buồn và câu nói đến giờ bà vẫn nhớ như in “Hồ Chủ tịch Muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”.
Trong các gia đình, mọi hoạt động đều ngừng lại, người dân khóc thương và theo dõi lễ tang Bác được tường thuật qua làn sóng đài TNVN. Loạt đạn đại bác vang lên như dấu hiệu đưa linh cữu của người lên trời cao bay về phương Nam thăm hỏi đồng bào Nam Bộ. Đài TNVN phát đi thông điệp của Bác Hồ khuyên người dân đừng nên quá đau buồn, tiếp tục chiến đấu để “giải phóng miền Nam Việt Nam, bảo vệ Miền Bắc, thống nhất đất nước”.
Kể đến đây, bà Wilis lau nước mắt. Người phụ nữ 82 tuổi đôi chân đã chậm cảm thấy vui mừng vì đã được chứng kiến một Việt Nam kiên cường dưới sự lãnh đạo tài tình của Danh nhân Thế giới Hồ Chí Minh đã giành được độc lập sau những mất mát, đau thương. Đây không chỉ là kỉ niệm, là sự kính trọng của bà với vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà còn là một phần “ký ức không quên” với người chồng quá cố mà bà cùng gia đình đã cố gắng lưu lại một cách đầy đủ và sống động./.