Dù chưa triển khai Nghị quyết Trung ương 4 ở chi bộ khu phố, nhưng ông Đào Quang Ngọc- cán bộ hưu trí phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm đã nắm rất rõ, thậm chí còn thuộc nhiều nội dung trong nghị quyết.
79 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông Ngọc không cho phép mình bàng quan, đứng ngoài cuộc, nhất là với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đọc đi đọc lại những bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo dõi các địa phương trong cả nước tiến hành đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, ông Đào Quang Ngọc nói: “Đợt kiểm điểm này được thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Chúng tôi mong muốn, thực tế ấy sẽ làm sáng tỏ những điều cần phải khắc phục, của tập thể, cá nhân. Nếu kiểm điểm mà chỉ để kiểm điểm như đã từng làm thì tôi nghĩ rằng, hiệu quả sẽ không đi đến đâu. Phải thiết thực, cụ thể, phải chỉ ra được những điều cần sửa của mỗi cấp và từng cá nhân. Có như thế thì dân mới tin, mới yêu, mới phục. Và như thế, Đảng sẽ có sức mạnh…”.
70-80% đảng bộ, chi bộ trên toàn quốc đạt chất lượng trong sạch, vững mạnh- con số ấy có thực chất không? Đó là câu hỏi của ông Hoàng Linh- nguyên Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm khi đề cập đến các cuộc kiểm điểm định kỳ hàng năm. Với kinh nghiệm làm công tác Đảng của mình, ông Linh cho rằng, hầu hết con số ấy là dựa trên quá trình “tự phong, tự nhận” và như thế, kết quả không thực chất. Ông Linh nói: “Đây chính là lỗ hổng. Các chi bộ, đảng bộ muốn có thành tích nhưng thành tích ấy không đúng, không khoa học, không thực tế. Chúng tôi mong muốn, đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 sẽ làm rõ và kết luận rằng, bao nhiêu phần trăm là sự thật. Cần phải chỉ ra một bộ phận không nhỏ bị suy thoái biến chất là ai, có địa chỉ cụ thể. Ủy ban kiểm tra các cấp đề nghị phải được tăng cường, bổ sung thêm để kiểm tra, xác minh thêm và đặc biệt là phải có kê khai tài sản rõ ràng”.
Hoan nghênh cách thức tiến hành kiểm điểm, từ cấp cao xuống cấp thấp, GS Nguyễn Đình Tấn- Viện trưởng Viện xã hội học - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đó là cách làm triệt để, có hệ thống, có lộ trình. Nhưng điều mà người dân muốn nhìn thấy là kết quả của kiểm điểm, phải được định lượng chứ không phải định tính.
GS Tấn nói: “Chúng tôi nghĩ rằng, lần này phải có xử lý chứ không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, phê bình và tự phê bình. Phải có hình thức xử lý, kết hợp giữa hành chính và tổ chức. Thậm chí là bãi miễn, khai trừ khỏi Đảng, phải đưa lên các phương tiện truyền thông một cách công khai chứ không chỉ dừng ở việc trong nội bộ bảo nhau một cách đơn giản. Tất nhiên, chúng ta phải kết hợp giữa việc đấu tranh quyết liệt với việc giáo dục, giữa việc xử lý trừng phạt với việc phòng chống và xây dựng, lấy xây dựng làm trọng”.
Mới đây, khi đến dự Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết là khó vì động chạm đến từng tổ chức, đảng viên, nhất là phải nhìn thấy khuyết điểm của mình và không ít người còn thói quen “khen hào phóng, chê dè xẻn”. Bởi vậy, trong quá trình kiểm điểm, việc gì kết luận được phải kết luận, nếu không thì phải tìm hiểu, điều tra để làm rõ, tránh để dây dưa và quyết tâm làm bằng được.
Chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 không phải là một việc dễ dàng mà đây là cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị nội bộ. Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực đối phó với những khó khăn chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, các thế lực thù địch tiếp tục phá rối, gây mất đoàn kết nhưng nhân dân cả nước vẫn hy vọng, Nghị quyết Trung ương 4 sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng./.