Tối qua 3/9, sau khi kiểm tra thực tế khu bán trú, khu sinh hoạt chung, khu ăn ở tại các trường học, ngay tại phòng học của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và trực tuyến tới gần 200 điểm cầu xã phường, huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng tiếp tục “kiểm tra” lãnh đạo nhiều xã, phường, thị trấn. Ông muốn tìm hiểu xem lãnh đạo cơ sở nắm vững tới đâu tình hình người dân, đặc điểm địa bàn và các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 và chuẩn bị cho năm học mới. Với các xã miền núi, nội dung được Thủ tướng quan tâm là việc tổ chức các trường, điểm trường, đội ngũ giáo viên và tình hình ăn, ở, học tập của học sinh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng chia sẻ, trong những ngày đầu tháng 9, trong tâm thức của người Việt Nam bao giờ cũng nhớ về sự kiện quan trọng là Tết độc lập 2/9 và không khí hào hứng chào đón ngày tựu trường. Nhưng có lẽ năm nay ở nhiều địa phương trên cả nước, các thầy cô, các em chưa được trực tiếp nghe tiếng trống trường, gặp lại thầy cô, bạn bè do diễn biễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng hiểu và chia sẻ với những thiệt thòi, khó khăn và cả sự hụt hẫng của tất cả thầy cô và các em học sinh trên cả nước, đặc biệt ở những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách. Nhân dịp khai giảng năm học mới, Thủ tướng đã gửi lời chúc tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục cả nước nói chung và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Định Hóa nói riêng lời chúc sức khỏe và nhiều niềm vui, thành công trong năm học mới.
“Nhân dịp năm học mới sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo, các cháu học sinh lời chúc mừng và những tình cảm thân thiết và quý mến nhất. Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, và các đối tượng chính sách. Trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nhân lực có trình độ để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã từng bước khẳng định những ưu điểm ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta và đây cũng chính là định hướng XHCN ở nước ta”, Thủ tướng nêu rõ.
Khi trò chuyện với các cháu học sinh trường Dân tộc nội trú, nhiều cháu chia sẻ coi các thầy cô như bố mẹ, và bớt nỗi nhớ nhà khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc. Thủ tướng đã cảm ơn các thầy cô dành cho các cháu tình cảm rất nồng ấm, chân thành, làm cho các cháu cảm nhận được điều này là rất quan trọng, bởi nói thì dễ, làm mới khó.
Thủ tướng cho biết, bản thân ông từng sống, lớn lên, trưởng thành ở miền núi nên rất thấu hiểu với những thiệt thòi của các cháu học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
“Tiếp tục nghiên cứu chính sách hoàn thiện hơn đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là các cháu ở vùng dân tộc, có nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát, sơ kết, tổng kết, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nó và phải đi thực tế, phải đi tận nơi mới thấu hiểu được, chứ còn nếu chỉ nghe báo cáo thì chúng ta không cảm nhận được. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các địa phương đi khảo sát, đi nghiên cứu thực tế xuống tận xã, phường, thị trấn, làng bản, ấp, xã, thôn, bản, tổ dân phố, chúng ta mới cảm nhận được những thiệt thòi, thiếu thốn ở những nơi vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo”, Thủ tướng đề nghị.
Nhấn mạnh, đoàn công tác đến thăm ngôi trường tại mảnh đất mà năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dùng làm căn cứ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủ tướng mong rằng các thầy cô với niềm tự hào và trái tim nhiệt huyết để hàng ngày truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, lan tỏa sự yêu thương, nhân ái, tinh thần vượt khó đến các cháu học sinh thân yêu.
“Hôm nay, chúng ta đến với ngôi trường tại mảnh đất mà năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dùng làm căn cứ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi mong rằng các thầy cô với niềm tự hào và trái tim nhiệt huyết hằng ngày truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, lan tỏa sự yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó đến các cháu học sinh thân yêu. Các cháu hiểu về giá trị lịch sử của mảnh đất cách mạng, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, truyền thống dân tộc mình, sự tin tưởng và hy vọng của cha mẹ, tấm lòng của các thầy cô, khát vọng của tuổi trẻ, cố gắng học tập, rèn luyện để thay đổi cuộc sống của mình, gia đình mình và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng chia sẻ với các thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh tại nhiều nơi mong từng ngày để việc học tập được trở lại bình thường. Điều này càng đặt ra trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng để kiểm soát, đẩy lùi và có giải pháp thích ứng với dịch bệnh. Chính phủ sẽ quyết tâm để trường học sớm hoạt động trở lại bình thường.
Thủ tướng nhấn mạnh, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” sẽ là kim chỉ nam cho hành động, quyết tâm của mỗi học sinh và trách nhiệm của tất cả chúng ta để phát triển nền giáo dục nước nhà./.