Tiếp đó, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở đê biển, đê sông ở tỉnh Tiền Giang.
Sau khi thị sát tại một số điểm của tuyến cao tốc, tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, điểm giữa của đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, km76+500m, Thủ tướng thăm và kiểm tra việc thi công cầu Phú Nhuận, một gói xây lắp thuộc dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Thăm hỏi, động viên các kỹ sư, công nhân của nhà thầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng để thông xe vào năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc triển khai Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. |
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tinh thần là khánh thành đúng năm 2021, còn thông xe cuối năm 2020 là không thay đổi. Tất cả các điều kiện mà các đồng chí đề nghị chúng tôi đều giải quyết hết 100%. Nhà thầu nào mà lui cho rút lui. Tôi đích thân chỉ đạo quyết liệt như vậy, phải bàn tiến chứ sao cứ bàn lùi. Nói như vậy các đồng chí phải làm sao cho kịp tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo yêu cầu của nhân dân một cách lâu dài chứ không phải trước mắt, không phải vì tiến độ mà chúng ta giảm chất lượng của công trình. Nhu cầu thông xe đến Cần Thơ hết sức bức xúc và tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải khởi công cầu Mỹ Thuận 2, khởi công gói thầu Mỹ Thuận - Cần Thơ. Lời hứa với nhân dân, với 20 triệu dân mà trong nhiều năm chúng ta không làm được, bây giờ chúng ta khắc phục".
Sau 6 tháng kể từ ngày tiếp nhận dự án giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT từ Bộ Giao thông vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo địa phương đã tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, nhằm đảm bảo đến cuối năm 2020 thông tuyến dự án và hoàn thành trong năm 2021 theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho doanh nghiệp tổ chức thi công.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51 km, đi qua thị xã Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước; điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TPHCM - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè). Giai đoạn I của dự án có quy mô bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trên nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông..
Đây là dự án quan trọng để cùng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Mỹ Thuận-Cần Thơ, góp phần kết nối 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng tặng quà cho các công nhân đang làm việc tại dự án. |
Tiếp đó trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra tình hình sạt lở tại một số đoạn đê biển ở tỉnh Tiền Giang, trong đó có đường bờ khu vực gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đây là khu vực bị sạt lở liên tục 30 năm qua, nhất là những năm gần đây. Trước diễn biến của sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành 4 Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, kể từ năm 1990 đến năm 2018, khu vực này đã bị sạt lở, xâm lấn tới 702 ha. 5 năm gần đây tốc độ sạt lở nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do rừng chắn sóng bị mất.
Trước đó, tỉnh Tiền Giang xác định 4 điểm nóng sạt lở để công bố tình huống khẩn cấp, bao gồm: Bờ sông Bảo Định, Thành phố Mỹ Tho; đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc, huyện Gò Công Đông; bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy; và khu vực tại khu dân cư ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông./.