Ngay sau khi đến Osaka, Nhật Bản, chiều 7/6 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tọa đàm với hơn 30 lãnh đạo các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn Vùng Kansai, Nhật Bản.

kansai_1_qsrk.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tọa đàm với lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vùng Kansai, Nhật Bản
Kansai là vùng kinh tế, công nghiệp lớn của Nhật Bản, gồm 10 tỉnh, trong đó có 3 thành phố lớn là Osaka, Kyoto và Kobe, có thế mạnh là ngành công nghiệp chế tạo, là nơi đặt trụ sở chính của nhiều Tập đoàn công nghiệp chế tạo và dịch vụ nổi tiếng như Panasonic, Sharp, Sanyo, Kawasaki…

Ông Akio Ikemori, Tổng Giám đốc, Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai cho biết, vùng kinh tế Kansai có giá trị kinh tế khoảng 931 tỉ USD, tập trung vào nhiều lĩnh vực như dệt may, hóa chất, linh kiện điện tử. Đây là những lĩnh vực đạt tỷ trọng thương mại lớn với Việt Nam; có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, có thể hợp tác với Việt Nam.

Ông Akio Ikemori cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Kansai rất quan tâm đến Việt Nam và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay du học sinh Việt Nam đến vùng Kansai rất đông, là cầu nối cho quan hệ Việt Nam và vùng Kansai nói riêng, và Nhật Bản nói chung trong tương lai.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các doanh nghiệp đã nêu lên các vấn đề quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam cũng như mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực như điện tử, thương mại, sắt thép, chế biến thực phẩm, ngân hàng, xây dựng, truyền thông, y tế, đầu tư các khu công nghiệp… Trong đó, có những doanh nghiệp đã làm ăn ở Việt Nam hàng chục năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe các doanh nghiệp nêu ý kiến và chỉ đạo lãnh đạo các Bộ giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp.

Ông Kosei Uematsu, Giám đốc Tập đoàn Daikin vùng Kansai, cho biết, công ty của ông đang làm ăn rất hiệu quả tại Việt Nam với doanh thu năm 2016 trên 230 tỉ Yên và đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư các nhà máy sản xuất điều hòa không khí tại vùng lân cận Hà Nội. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với Daikin, tuy nhiên, đề nghị Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ong Akio Ikemori kiến nghị: “Để đảm bảo việc cung cấp sản phẩm hàng hóa dịch vụ nhanh chóng, Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông từ Bắc vào Nam; giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam và mong muốn có nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, nên đề nghị Chính phủ phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có biện pháp giúp doanh nghiệp giảm những rủi ro về ngoại hối, tỷ giá do nhập khẩu nguyên liệu”.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã giải đáp cho nhà đầu tư Daikin. Ông Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt trong phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là giao thông vận tải. Mặc dù nguồn lực còn khó khăn, chúng tôi sẽ tập trung làm sao để giảm chi phí vận tải một cách đồng bộ thông qua đẩy mạnh phát triển logistic, thúc đẩy vận chuyển vận tải kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng, những công trình trọng điểm ưu tiên ở các vùng trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, các tuyến cao tốc hiện đại, các tuyến kết nối với hệ thống các cảng biển”.

Trong khi đó, ông Yoshitomo Ishizaki, Cố vấn danh dự của Công ty Công nghiệp Takako, cho biết, công ty ông chuyên sản xuất linh phụ kiện cho ô tô, máy móc nông nghiệp và hiện đã có nhà máy tại Việt Nam với 1.000 công nhân. Ông đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhưng lại đang vướng mắc về việc nhập khẩu thiết bị vào Việt Nam, do quy định về tuổi của thiết bị nhập khẩu. 

Ông Yoshitomo Ishizaki cho biết, 80% sản phẩm của Takako là sản phẩm  rèn, đúc. Tỷ lệ của những sản phẩm này rất lớn trong ngành sản xuất công nghiệp chế tạo của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam đang nhập khẩu tới 90% các thiết bị sản xuất từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Có những thiết bị  có tuổi thọ từ 20-50 năm, nhưng theo quy định của Việt Nam thì chỉ cho nhập khẩu máy móc khoảng 10 năm. Đây là một khó khăn với công ty.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời vấn đề này, nêu rõ quy định về nhập khẩu máy móc sẽ được xử lý theo hướng mở hơn và được xem xét theo độ tuổi với các chủng loại thiết bị khác nhau. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng hứa với Thủ tướng sẽ xem xét xử lý, điều chỉnh Thông tư 23 để giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp bạn nêu.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã nêu lên các vấn đề về việc cấp visa dài hạn hơn, vấn đề chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, và một số vấn đề khác, và đã được Thủ tướng, các bộ, ngành giải đáp trực tiếp.  

Thủ tướng kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đánh giá cao năng lực sản xuất kinh doanh, công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị, công nghiệp phụ trợ và thương mại sầm uất vùng Kansai. Cho biết đang có làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Kansai đầu tư vào Việt Nam.

Thông tin về môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), gần 70% doanh nghiệp của Nhật Bản có lãi và muốn mở rộng hoạt động. Ngân hàng thế giới và một số tổ chức quốc tế cũng nâng hạng về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, một số vấn đề thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, chính sách tín dụng… còn tiếp tục cần cải thiện.

Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam lắng nghe và tiếp tục xử lý giải quyết, trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhiều tiềm năng vùng Kansai, đầu tư vào Việt Nam và các bạn sẽ đón bắt thời cơ này. Ngoài những tập đoàn lớn như Sumitomo, Mitshubishi, Hitachi… thì Việt Nam cần các loại hình doanh nghiệp của vùng Kansai vào Việt Nam và có thể có chương trình riêng cho vùng Kansai. Có thể Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Kansai tổ chức một số chuyến đi thăm các tỉnh của Việt Nam để xem xét một số vùng, một số khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp vùng Kansai. Chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện cho các bạn”. 

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục chỉ đạo chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, năng lượng, thị trường bán lẻ, dịch vụ y tế và mong muốn thu hút đầu tư từ Kansai Nhật Bản.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhân sự kiện hôm nay, chúng tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp vùng Kansai và thành viên của Tổ chức kinh tế vùng Kansai (Kankeiren) đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), vấn đề xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, vấn đề năng lượng và năng lượng tái tạo. Nguồn lực phát triển điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam là rất lớn. Vấn đề tài chính ngân hàng, chứng khoán nói chung cũng là lĩnh vực chúng tôi muốn thu hút đầu tư. Đặc biệt, các bạn có thể tham gia vào cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, là cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp”.

Nhấn mạnh người Việt Nam rất tín nhiệm khi làm ăn với người Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài. Sự thành công của Việt Nam được đánh giá bằng chính sự hài lòng và thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản./.