Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak, chiều nay (26/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội sang Malaysia tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 trong hai ngày từ 26-27/4 tại hai địa điểm Thủ đô Kuala Lumpur và thành phố Langkawi.
ASEAN 26 là Hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm Malaysia làm Chủ tịch ASEAN 2015. Malaysia xác định chủ đề xuyên suốt trong năm nay là “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta” cùng 8 nội dung ưu tiên, đó là tập trung chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào ngày 31/12/2015; hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; tăng cường thể chế ASEAN; đưa người dân ASEAN xích lại gần nhau hơn; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực và tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN.
Đến nay, ASEAN đã triển khai gần 93% dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời, các nước thành viên đang tập trung đẩy mạnh triển khai các dòng hành động còn lại ở cả cấp quốc gia và khu vực để bảo đảm hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 đúng thời hạn.
ASEAN cũng đã triển khai được 40% Kế hoạch tổng thể về kết nối gồm các kết quả cụ thể như nâng cấp mạng lưới đường bộ, đưa hệ thống internet băng thông rộng vào các trường học, hoàn tất 2 dự án kết nối lưới điện ASEAN, thống nhất kế hoạch xây dựng thị trường vận tải biển cũng nhưtriển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN...
Trong khuôn khổ Sáng kiến liên kết ASEAN, 285 dự án cũng đã được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Các dự án cũng đã được triển khai lồng ghép với các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong nhằm tạo sự đồng bộ và bổ sung lẫn nhau. Các thành viên ASEAN cũng đang nỗ lực thúc đẩy triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn sau khi ASEAN trở thành cộng đồng.
Ngoài các đối tác chiến lược đã thiết lập là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và mới đây là Australia, ASEAN đang hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với EU; đang xem xét đề xuất của Mỹ và New Zealand nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. ASEAN cũng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong các tiến trình, khuôn khổ ở khu vực, đồng thời nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình thông qua tăng cường liên kết, đoàn kết và thống nhất nội khối, đề ra cách thức và cơ chế để kịp thời xử lý những thách thức lớn nảy sinh ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công cụ và diễn đàn khu vực hiện có nhằm thu hút sự tham gia tích cực của các nước đối tác vì nhu cầu an ninh và phát triển của ASEAN.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ASEAN tiếp tục duy trì lập trường chung, đề cao sự cần thiết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện kiềm chế, không gây phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngay đầu năm nay, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã bày tỏ quan ngại trước việc bồi đắp các đảo đá quy mô lớn ở Biển Đông...
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 26 tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với ngôi nhà chung ASEAN, nhất là nỗ lực thúc đẩy sự liên kết nối khối ngày càng chặt chẽ hơn, các hoạt động ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, đặc biệt là củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên ASEAN trước mọi thách thức và nguy cơ, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò quan trọng của ASEAN, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Trên tinh thần này, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN tập trung thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối làm việc; tăng cường quan hệ đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như phân tích, thống nhất giải pháp xử lý các thách thức đang nổi lên đối với ASEAN và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Ngoài Tuyên bố Chủ tịch hội nghị theo thông lệ của ASEAN, dự kiến tại Hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến quan điểm lấy người dân làm trung tâm, thể chế hóa sự tự cường của ASEAN cũng như của các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu… Đây là những quan điểm và định hướng lớn để góp phần đưa ASEAN ngày càng gắn kết, lớn mạnh và phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả các quốc gia thành viên./.