Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành. Cho rằng Phú Thọ vẫn là một tỉnh nghèo, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cần phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vươn lên mạnh mẽ hơn để xứng danh với vùng đất tổ Hùng Vương.

tt_nmnp.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

 

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết, dù khó khăn do Covid-19, nhưng dự kiến năm nay tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,25%, thấp hơn so với kế hoạch. Quy mô kinh tế tỉnh đã đạt gần 76.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 53 triệu đồng một năm. Cơ cấu kinh tế có công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80%, nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 20%.

Nửa đầu năm nay, thu ngân sách của tỉnh đạt 3.520 tỷ đồng, bằng khoảng 56% kế hoạch. Dự báo thu ngân sách cả năm nay có thể đạt 6.900 tỷ đồng, ước đạt so với kế hoạch. Về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay đã giải ngân được 1.379 tỷ đồng, tương đương 47% kế hoạch vốn giao. Tỉnh cảm kết giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.

Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến góp ý với Phú Thọ, kết luận buổi làm việc, nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của Phú Thọ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Phú Thọ là nơi hội tụ khí thiêng sông núi gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có lễ thờ cúng vua Hùng. Do đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ, các bộ, ngành phải góp sức đưa Phú Thọ phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo đó, cần tận dụng các lợi thế như hệ thống giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng của địa phương tốt; nguồn nhân lực có chất lượng; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có sự đoàn kết, quyết tâm cao. Đặc biệt là tài nguyên văn hóa lịch sử rất thuận lợi cho phát triển du lịch.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng đánh giá, Phú Thọ đã có sức phát triển mới, trong đó năm 2019 đạt kết quả toàn diện, không chỉ kinh tế mà cả an sinh xã hội. Nửa đầu năm nay, Phú Thọ cũng đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Nhờ đó, thu ngân sách đạt kết quả tích cực, cao hơn mức bình quân chung cả nước; xuất khẩu tăng cao gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn đầu tư xã hội lên đến trên 12.000 tỷ đồng. Thủ tướng cũng biểu dương lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, gồm cả vốn ODA.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Thủ tướng ấn tượng với một tỉnh trung du miền núi như Phú Thọ mà tỷ lệ chuẩn quốc gia về y tế đạt trên 90%, số trường chuẩn quốc gia cũng đạt 100%.

Song, Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng 1,24% nửa đầu năm là còn thấp. Tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh tuy thấp nhưng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm hơn 50%. Dù có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng tốt như chè, trái cây nhưng tỉnh vẫn thiếu các nhà đầu tư lớn với các dự án công nghiệp chế biến lớn, công nghệ cao. Môi trường đầu tư còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. 

Phú Thọ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm giới thiệu, định hướng một số nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, giúp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. (Ảnh: VGP)

 

Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh xuất hiện trở lại ở miền Trung, Thủ tướng yêu cầu Phú Thọ cần cảnh giác để không xuất hiện ca mắc Covid-19. Song song với đó là nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của năm nay.

"Phú Thọ nhiều tiềm năng nhưng vẫn là tỉnh nghèo. Nói điều này để các đồng chí phấn đấu quyết liệt hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn để xứng danh là sức mạnh của vùng Đất Tổ. Vì vậy, các đồng chí cần rà soát các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01, các chủ trương của tỉnh ủy, của Trung ương, của Chính phủ để thúc đẩy mạnh mẽ, để đạt nhiệm vụ tốt nhất trong bối cảnh đất nước dịch bệnh khó khăn", Thủ tướng chỉ rõ.

"Đặc biệt thời cơ và nền tảng các đồng chí đã có. Thời cơ là chúng ta có nhiều hiệp định như CPTPP, AVFTA… Nền tảng đã có là cơ sở vật chất, các sản phẩm chúng ta muốn xâm nhập thị trường mới sẽ đẩy mạnh thành sản xuất hàng hóa rất lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với tận dụng các lợi thế, Thủ tướng cho rằng, tỉnh phải đặt ra mục tiêu tự cân đối ngân sách sau 3 năm nữa, thay vì năm 2025. Điều này có thể đạt được nếu tỉnh có quyết tâm cao, triển khai hiệu quả các biện pháp. Trước mắt, cần khắc phục các điểm yếu, thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư.

"Tôi đề nghị các đồng chí vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh hơn nữa, tháo gỡ hơn nữa để mà phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch bệnh. Đây là công thức muôn thuở mà trong lúc này, bất cứ đảng bộ, chính quyền nào đều phải đề cập. Chúng ta chưa có dịch bệnh nên phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh bình thường, đề phòng dịch bệnh. Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng", Thủ tướng yêu cầu.

"Trong nội bộ tỉnh, nhất là HĐND tỉnh, các đồng chí có quyết định thu hồi điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân cho dự án khác. Nhiều tỉnh tôi đi kiểm tra thì thấy HĐND một tháng họp một lần để điều chuyển vốn từ những dự ở các xã, huyện, đã được giao vốn ngân sách tỉnh từ đầu năm mà chưa tiêu hết tiền", Thủ tướng nói.

Tán thành với địa phương về việc mong muốn thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh, tạo các cú huých phát triển, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh xúc tiến đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư lớn. Cùng với đó, tỉnh cũng phải có biện pháp xúc tiến phù hợp để thu hút được nhà đầu tư như mong muốn.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh cần xác định mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn hơn, trong đó có một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, phát triển đô thị đồng bộ và hiện đại, phát huy thế mạnh của tỉnh là đẩy mạnh thu hút đầu tư toàn xã hội. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị. Quan tâm hơn nữa đến giảm nghèo, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó là chuẩn bị thật tốt cho Đại hội Đảng bộ tỉnh, làm tiền đề đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội./.