Chiều 22/5 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm, làm việc với Ngành y tế Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố. 

Báo cáo với Thủ tướng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ Nguyễn Phước Tồn cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước, Ngành Y tế thành phố Cần Thơ đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19. 

TP. Cần Thơ đã triển khai 2.800 tổ Covid-19 cộng đồng trên toàn thành phố ở mức độ cao nhất, tổ chức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, quản lý chặt những người mới đến cư trú trên địa bàn. Tăng cường công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm đối với các trường hợp có nguy cơ, đồng thời chuyển dữ liệu về Tổ thông tin phòng, chống dịch Sở Y tế để xử lý và tổng hợp.

Về công tác chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sở Y tế Cần Thơ đã triển khai các hình thức khai báo y tế qua QR code và bằng giấy để tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri đi bầu cử.

Ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ thông tin, Ủy ban bầu cử thành phố đã chỉ đạo ngành y tế tổ chức xét nghiệm Covid- 19 bằng phương pháp gộp mẫu cho khoảng 18.000 cán bộ và nhân viên làm việc tại các tổ bầu cử, hiện đã lấy hơn 12.300 mẫu và có kết quả của hơn 11.800 mẫu, tất cả đều âm tính. Thành phố Cần Thơ có 4 cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid-19 với năng lực xét nghiệm tối đa ở mức 1.200 mẫu đơn/ngày, tương đương 6.000 mẫu gộp/ngày.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ cũng cho biết, thành phố đã phối hợp và chuẩn bị cho việc thành lập bệnh viện dã chiến trên địa bàn, sẵn sàng đưa vào sử dụng khi cần thiết, bao gồm: 1 bệnh viện dã chiến số 4 của Trung ương do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phụ trách với quy mô 800 giường và 1 bệnh viện dã chiến của thành phố do Sở Y tế quản lý với quy mô 100 giường. Bên cạnh đó, ngành Y tế Cần Thơ thường xuyên tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các điểm tiêm chủng, xem xét quy trình, bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện lưu trữ để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng. Đã hoàn thành việc tiêm chủng lần 1 cho hơn 7.700 đối tượng ưu tiên và sẵn sàng tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm ngừa sau khi tiếp nhận vắc xin đợt 2 từ Bộ Y tế dự kiến 13.000 liều.

Trong thời gian tới, Ngành Y tế Cần Thơ sẽ tập trung bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 trước, trong, sau hoạt động bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhất là tại các điểm tổ chức bầu cử. Tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan lơ là; tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nghiêm chiến lược "lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để ở bên trong, chữa trị hiệu quả”.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí công tác chỉ đạo, lãnh đạo của thành phố Cần Thơ đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, những thành tích đạt được trong thời gian đáng ghi nhận của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.

Thủ tướng cũng lưu ý, thành phố Cần Thơ không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, say sưa với thắng lợi để có thể vấp phải sai lầm, khuyết điểm, để mất kiểm soát tình hình, đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ngành Y tế Cần Thơ. Đồng thời nếu có tình huống xảy ra cũng hết sức bình tĩnh, không hoảng hốt, không mất bình tĩnh, bản lĩnh để xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hết sức bình tĩnh, kết hợp hài hòa, hợp lý và hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ kép vừa chống dịch bệnh thành công nhưng cũng phải phát triển kinh tế, xã hội.

Thành phố Cần Thơ có vai trò, vị trí quan trọng trong khu vực ĐBSCL về tất cả mọi mặt trong đó có Ngành Y tế có vai trò trung tâm của khu vực với hơn 20 triệu dân. Vì vậy, ngành Y tế Cần Thơ phải tiên phong, đi đầu, gương mẫu và phát triển xứng tầm với thành phố trung tâm của khu vực, phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương, kịp thời và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế ở khu vực, các Trường Đại học, trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện tốt vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc phòng, chống dịch và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, bất ngờ.

Chia sẻ khó khăn với Ngành Y tế Cần Thơ về nguồn nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, khả năng xét nghiệm và triển khai bệnh viện dã chiến đang gặp khó về thủ tục và cơ sở vật chất hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải khắc phục những khó khăn, phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, năng động, chủ động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Chúng ta phải đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt là huy động được trí tuệ của tập thể, sự vào cuộc của nhân dân, đây là cái hết sức quan trọng mà cái này thì phải dưới sự lãnh đạo của Đảng, rồi sự quản lý của chính quyền vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Chúng ta đoàn kết thống nhất lại một khối rồi trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ của ai người đó làm nhưng phải hiệu quả và tổng hợp lại là sức mạnh tổng hợp và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đấy là cái chúng ta phải làm được trong lúc này".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phải chuẩn bị tốt trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, phòng xét nghiệm và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Tỉnh phải lo cho tỉnh, huyện phải lo cho huyện, xã phải lo cho xã, thôn, bản, tổ dân phố phải lo cho thôn, bản, tổ dân phố, huy động sự vào cuộc của người dân và Cần Thơ là trung tâm của vùng không được lúng túng, không được bị động trong việc 4 tại chỗ. Đồng thời, tiếp tục phát huy thành quả, thành tựu trong đợt chống dịch trước, tổng kết lại những kinh nghiệm đã làm tốt, bài học hay, nơi làm điển hình, sáng tạo để tổng kết, nhân rộng.

Thủ tướng nhấn mạnh về công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch Coid-19, ngoài ngành y tế thì các cơ quan báo chí góp phần vào công tác tuyên truyền làm sao để để người dân hiểu được nguy hiểm của dịch, tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch; phân tích những cái làm được, chưa làm được một cách khách quan, trung thực, đầy đủ và giải thích cho nhân dân hiểu để người dân chia sẻ cùng với chính quyền, cơ quan chức năng để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân./.