Sáng 2/6, tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng qua.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế-xã hội (Ảnh: Quang Hiếu) |
Điểm sáng rõ nét nhất của kinh tế 5 tháng qua chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khi vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, vốn đăng ký gần 10,2 tỷ USD. Những tháng đầu năm cũng đã có 44.740 DN mới thành lập, vốn đăng ký là gần 350.000 tỷ đồng.
Về các chỉ số tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó tín dụng tăng 4,52%. Lãi suất cho vay vừa qua đã giảm 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống 10%/năm đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, hết tháng 5 tăng 1,88% so với tháng 12/2015 và còn một số yếu tố có thể tác động như giá dầu thô, giá lương thực thế giới tăng. Nếu lạm phát tăng cao thì sẽ khó giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2015, ước đạt trên 396.000 tỷ đồng, bằng hơn 39% dự toán; chi ngân sách đạt 466.000 tỷ đồng, bằng trên 36% dự toán. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn gặp khó khăn do hậu quả hạn hán, mặn xâm nhập. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, tăng so với cùng kỳ nhưng lại đang có xu hướng giảm.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là xuất khẩu, 5 tháng qua, đáng mừng là xuất siêu 1,36%. Xuất khẩu ước đạt gần 68 tỷ USD, tuy tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, những nhiệm vụ lớn trong năm 2016 là tăng trưởng 6,7%, xuất khẩu tăng trên 10%, lạm phát không quá 5%. Chính phủ đã bàn các giải pháp về kiểm soát lạm phát và có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, xuất khẩu và tăng trưởng còn nhiều sức ép.
Cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần tập trung ổn định vĩ mô, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, cần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Có số lượng mới có chất lượng và có tăng trưởng mới giải quyết được các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là tạo việc làm, thu ngân sách, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội./.