Phát biểu tại Diễn đàn “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam- Phát triển và Hội nhập” diễn ra sáng 16/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù nông nghiệp hữu cơ đang có cơ hội vàng để phát triển, nhưng không phát triển một cách ồ ạt mà phải phát triển bài bản, khoa học.
Đây là diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sự đồng hành của Tập đoàn TH Truemilk tổ chức, với sự tham dự của hơn 400 chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước, một số bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam- Phát triển và Hội nhập” |
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, những vấn đề các diễn giả nêu ra, đó là phải có cơ chế tích tụ ruộng đất đủ lớn; đầu tư cải thiện chất lượng đất; thiết kế chính sách thuận lợi; có tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người nông dân.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nông nghiệp hữu cơ là bộ phận quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, và nông nghiệp hữu cơ đang có cơ hội vàng để phát triển với nhiều điều kiện thuận lợi. Trong đó, ngoài những sản phẩm như sữa, sản phẩm từ dừa, gấc, thì còn có rất nhiều loại rau, củ quả và các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh phát triển.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, nhu cầu trong nước về sản phẩm hữu cơ ngày càng lớn, là thị trường đầy tiềm năng. Thủ tướng nhấn mạnh, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ phục vụ cho người giàu mà phục vụ toàn dân. Chính người nông dân cũng có nhu cầu về sản phẩm này cho gia đình và bản thân.
Tán thành với quan điểm của một số đại biểu về một số nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó có vấn đề tích tụ ruộng đất, Thủ tướng cho rằng, khi chưa sửa Luật Đất đai thì một số địa phương đang có sự vận dụng để tích tụ ruộng đất. Với việc cả nước mới có 33/63 tỉnh, thành triển khai nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng lưu ý đến yếu tố con người, trong đó có vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Từ thực tế thành công của các Tập đoàn như TH, VinGroups, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bao gồm cả các hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thủ tướng cũng đồng tình với các đề xuất tháo gỡ cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Thủ tướng cho biết, đã bàn với Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và sẽ có một Nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ sắp ban hành ngay sau đây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có một đề án để làm bài bản hệ thống hơn, chứ không phải trăm hoa đua nở.
“Chúng tôi cũng tiếp thu ý kiến việc thay Nghị định 210 về đầu tư nông nghiệp. Nếu cơ chế đầu tư như 210 thì khó đầu tư vào nông nghiệp. Cho nên nông nghiệp Việt Nam lớn như thế, chiếm 42% dân số, đất đai chiếm vị trí quan trọng mà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp chỉ 1-2%. Đúng là phải thay đổi 210, chúng tôi sẽ thay đổi cái này”, Thủ tướng quả quyết.
Nêu lên tầm nhìn và định hướng dài hạn phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của nông nghiệp hữu cơ, cần thống nhất nhận thức nông nghiệp phi hữu cơ với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và không thể xem nhẹ. Song hành với nông nghiệp hữu cơ là động lực đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, thì nông nghiệp phi hữu cơ vẫn phải đặt ra. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, không phát triển nông nghiệp hữu cơ theo phong trào.
“Nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách trong tương lai. Và như thế, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người, mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. Như vậy bên cạnh đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, phải phát triển toàn diện nông nghiệp Việt Nam là một yêu cầu. Tôi xin quán triệt điều này cho các địa phương”, Thủ tướng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với quan điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Đó là phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng xác định lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, nhu cầu từng thị trường…; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; ưu tiên trồng các loại cây bản địa có giá trị cao gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ quy định về quy chuẩn quốc tế.
Về mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “VAC, hợp tác xã, tập đoàn, doanh nghiệp, và chúng ta muốn nhấn mạnh đến các loại quy mô khác nhau. Làm sao hình thành một hệ sinh thái đa dạng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các loại hình này đa dạng ở Việt Nam, không phải máy móc bất cứ một loại hình nào. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vận dụng mô hình này để phát triển”.
Đặt vấn đề về tỷ lệ phát triển nông nghiệp hữu cơ như thế nào cho hợp lý, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035 trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm tới. Đề án này nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Trong đó, đề án cần đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ và ưu đãi tín dụng, và những giải pháp giải quyết các nút thắt đặt ra với nông nghiệp hữu cơ.
Thủ tướng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của một số diễn giả trong nước và quốc tế về việc cần tìm một thị trường rõ ràng trong tương lai gần và tương lai xa hơn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là hình thành được một hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, một văn hóa nông nghiệp hữu cơ ở nông thôn và nông dân.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, Thủ tướng nêu yêu cầu cần sớm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy chuẩn quốc tế. Thiết lập hệ thống kinh tế nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để sản phẩm Việt Nam có uy tín và dành được sự tin cậy của thị trường thế giới. Do đó cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất là rất quan trọng./.
Cơ hội vàng cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam