Sáng 19/8, tại tỉnh Nakhon Phanom, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan. Buổi gặp gỡ do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nhân Thái –Việt tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo tỉnh Nakhon Phanom, lãnh đạo một số bộ, ngành và hơn 200 doanh nhân Việt kiều.

doanh_nhan_vk_2_tziw.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan.
Trong không khí thân tình, cởi mở, đại diện Hiệp hội doanh nhân Thái-Việt phát biểu đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội đất nước thời gian qua và cho biết, thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và hoạt động xã hội hướng về tổ quốc, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hội kiến nghị lãnh đạo hai nước thúc đẩy các tuyến đường bộ và đường không kết nối giữa hai nước, mở đường bay giữa Hà Nội và Nakhon Phanom; tạo khung khổ thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp gỡ
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các doanh nhân với Chính phủ và bộ ngành về biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan nói chung, khu vực Đông Bắc nói riêng, đã thương yêu, đoàn kết, có nhiều doanh nhân thành đạt. Thủ tướng cũng cho biết trong hội đàm, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đánh giá cao người Việt Nam, nhiều người thành đạt, đóng góp vào sự phát triển của Thái Lan.

Thủ tướng cho biết, trong ASEAN, hiện chỉ có Việt Nam và Thái Lan là Đối tác chiến lược của nhau. Mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới 2 nước sẽ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên trên 20 tỷ USD và đề nghị các doanh nhân Việt kiều có sự đóng góp cho kết quả này.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ sớm phấn đấu kim ngạch hai chiều lên trên 20 tỷ USD, trong con số này, bà con Việt kiều tại Thái Lan sẽ đóng góp bao nhiêu? Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp, nổi tiếng, bờ biển lý tưởng nhưng người Thái Lan đến Việt Nam du lịch chỉ khoảng 200.000 người, trong khi người Việt Nam du lịch tại Thái Lan có trên 800.000 người. Điều đó cho thấy có sự chưa cân đối, phải chăng đây là lĩnh vực chúng ta có thể khai thác. 

Với hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng dồi dào, chất lượng tốt, Thủ tướng mong muốn các doanh nhân Việt kiều là đầu mối xúc tiến thương mại hai nước, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống thương mại và siêu thị Thái Lan, là tổng đại lý tiêu thụ hàng hóa Thái Lan và Việt Nam. 

Thủ tướng cũng thông báo với các doanh nhân về tình hình kinh tế xã hội trong nước thời gian qua đã có nhiều thành tựu, không khí làm ăn ở Việt Nam sôi động, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.  

Dù hai nước đã có 40 chuyến bay mỗi tuần nhưng chưa có chuyến bay thẳng đến Nakhon Phanom, Thủ tướng cho rằng các hãng hàng không cần nghiên cứu tuyến bay này. Đánh giá giao thông kết nối hai nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu hợp tác kinh tế và du lịch, Thủ tướng ghi nhận các kiến nghị của doanh nhân Việt kiều và cho biết Chính phủ cũng rất quan tâm đến hành lang Đông-Tây và đang xây dựng một tuyến cao tốc từ Vientiane (Lào) đi Thanh Thủy đến vùng Nghệ An và một số tuyến đường khác thời gian tới.

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan cùng với hoạt động đầu tư kinh doanh, cần hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Thái Lan, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau tốt hơn nữa, tạo điều kiện cho con em học hành. Cùng với đó là hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan vươn lên làm giàu./.

Tuyên bố chung Việt Nam - Thái Lan

VOV.VN - Tuyên bố trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc