Ngày 31/7, tại trụ sở Chính phủ, Chính phủ tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 7 nhằm đánh giá tình hình KT-XH tháng 7 và từ đầu năm đến nay, đồng thời thảo luận, thống nhất các biện pháp tập trung chỉ đạo điều hành nhằm đạt cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra từ đầu năm.
Chính phủ cũng đã thảo luận định hướng xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Nghị quyết nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục kiểm soát tăng ở mức thấp.
Nổi bật là công nghiệp tính chung 7 tháng qua đã tăng tới 9,9%, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt là những cải thiện rõ nét về tổng cầu và sức mua thị trường trong nước và xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế…
Các ý kiến tại phiên họp cũng đã phân tích và đề xuất nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với khu vực nông nghiệp và thủy sản, nhất là về thị trường xuất khẩu; đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết của Chính phủ thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với chia sẻ những kết quả tích cực đạt được thông qua triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Chính phủ cũng đã nêu rõ nhiều bất hợp lý như: chương trình nhiều nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế; cơ chế quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chưa hợp lý; mục tiêu, nội dung của một số chương trình còn trùng dẫm.
Nhiều ý kiến đồng tình cao tổ chức lại chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, sắp xếp 16 chương trình hiện nay thành 2 chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới và về Giảm nghèo bền vững để tập trung đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới….
Toàn cảnh phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng qua tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nếu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt và không có đột biến thì hoàn toàn có khả năng năm nay đạt các chỉ tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và triển khai đồng bộ, đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để thực hiện với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm.
Thủ tướng lưu ý điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt để tiếp tục tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng hợp lý hướng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, phát triển thủy sản và doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với đầu ra cho sản phẩm nông sản; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu phù hợp với các cam kết quốc tế; tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp phát triển mạnh du lịch, nhất là đơn giản hóa thị thực nhập cảnh; tính toán đề xuất các nguồn vốn đối ứng ODA để triển khai các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu và tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ tiến hành rà soát lại diện tích rừng phòng hộ để tính toán tăng diện tích rừng kinh tế, vừa đáp ứng được môi trường xanh, vừa trực tiếp tăng thêm thu nhập cho người dân.
Thủ tướng một lần nữa nêu rõ quan điểm dứt khoát phải đóng cửa rừng, không cho khai thác: “Tôi yêu cầu dứt khoát đóng cửa rừng. Các đồng chí năm nào đó nói là phải khai thác rừng, không khai thác rừng thì rừng cũng chết, rồi khai thác để phục vụ xây dựng nhà ở…nhưng thực sự là phá rừng. Tôi hỏi lại vì sao cái này không dừng được, có một số lâm trường giao mô hình như doanh nghiệp tự cân đối, tự sống mà không khai thác rừng thì lấy gì sống. Tôi hỏi bao nhiêu người thì có khoảng 3.200 người và một năm chi phí khoảng 100-200 tỷ đồng. Vì 3.200 người này mình để phá rừng hoài? Bây giờ kiên quyết đóng cửa rừng, dứt khoát không khai thác nữa! Chúng ta nhập gỗ để sử dụng. Để giữ rừng, thì 3.200 người này, Bộ trưởng Cao Đức Phát sắp xếp lại, sử dụng Quỹ cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp để xử lý chính sách đàng hoàng đối với anh em chứ không phải đẩy ra đường. Còn người ở Ban quản lý rừng để giữ rừng thì áp dụng chính sách hiện hành…Vì 3.200 người này mà các đồng chí tiếp tục cho khai thác rừng thì không thể giữ rừng được đâu.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến tại phiên họp hoàn thiện tờ trình Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia trong gian đoạn tới trên tinh thần không bỏ nhiệm vụ nào nhưng phải hợp lý hóa các nhiệm vụ để khắc phục tình trạng trùng dẫm về nội dung và mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở cơ sở.
Trên cơ sở quyết tâm của các thành viên Chính phủ đẩy mạnh Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện và ban hành Nghị quyết gắn với xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch cụ thể, nhất là trong ứng ụng công nghệ thông tin.
Trên cơ sở tiêu chí đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử chung của quốc tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động cung cấp số liệu chính xác, kịp thời cho các tổ chức quốc tế liên quan….
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận các biện pháp bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải; biên chế, cơ cấu tỷ lệ, chế độ đối với lực lượng kiểm sát và một số dự án luật, pháp lệnh quan trọng khác./.