Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev sẽ thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày (6 và 7/11/2012). Trước khi lên đường, tại Thủ đô Moscow, Thủ tướng Nga Medvedev đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam.

PV: Trước hết, xin Thủ tướng cho biết những chủ đề chính sẽ được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới?

Thủ tướng Medvedev: Tôi rất vui mừng lại đến thăm Việt Nam để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược, mối quan hệ hữu nghị thân thiết từng gắn bó hai nước chúng ta đã nhiều thập kỷ nay.

Một trong những vấn đề chính trong các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo chúng tôi, chắc chắn sẽ là vấn đề kinh tế. Chúng ta là những đối tác tốt. Chúng ta đã có mối quan hệ kinh tế phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của hai bên. Nếu nói về kim ngạch trao đổi hàng hóa thì nó còn ở mức khiêm tốn. Việc hai bên đề ra nhiệm vụ nâng kim ngạch này lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015 là tốt, tăng mạnh so với mức khoảng 3 tỷ USD của năm nay. Tuy nhiên, nếu so sánh nó với kim ngạch buôn bán của Việt Nam với những nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ thì vẫn còn quá thấp. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi sẽ trao đổi đó là vấn đề hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Đó là lĩnh vực năng lượng mà chúng ta đã có quan hệ rất hiệu quả lâu nay. Ngoài ra, tôi và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn đến các lĩnh vực hợp tác khác như chế tạo máy, kỹ thuật hàng không-vũ trụ, thông tin-viễn thông, nhân văn…

Vấn đề thứ ba tôi muốn nói là xây dựng cơ cấu hợp tác Nga - Việt có tính đến diễn biến phát triển chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì hai nước là một bộ phận của khu vực này. Chúng ta là những nước đóng vai trò đáng kể trong khu vực và chúng ta không thờ ơ đối với sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ trao đổi về những vấn đề của thế giới, cũng như những dự án liên quan đến khu vực.

 

phong-van-1.jpg

PV: Thưa Thủ tướng, ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan trong thời gian sắp tới và triển vọng của Hiệp định này là gì?

Thủ tướng Medvedev:Tôi coi hình thức hợp tác mới này là tốt và đầy triển vọng. Thật vậy, chúng ta cần phải vươn xa ra ngoài như khả năng thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) giữa ba nước tham gia Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan, với Việt Nam. Nó sẽ cho phép chúng ta phối hợp hành động cả trong lĩnh vực hoạch định và thực thi chính sách kinh tế. Việt Nam sẽ có lợi khi tham gia FTA bốn bên vì nó tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam được có thêm thị trường mới.

Về phần mình, chúng tôi sẽ nhận thêm hàng hóa từ Việt Nam và đối với Nga, một thị trường thống nhất mở rộng tốt hơn là một thị trường của một quốc gia dẫu rộng lớn như Liên Bang Nga. Với FTA, chúng ta sẽ nhân lên gấp bội khả năng kinh tế-thương mại của cả hai bên. Đương nhiên, trong vấn đề này, mỗi nước phải có cách đi riêng của mình bởi vì thứ nhất là với một tổ chức có các thành viên khác nhau thì bao giờ cũng có những quan điểm thương mại phức tạp và khác nhau.

Thứ hai là Việt Nam cũng đang tham gia các cơ cấu quốc tế khác nữa nên chúng ta sẽ phải điều hòa quan hệ với Liên minh thuế quan này cho phù hợp với các mối quan hệ khác mà Việt Nam đang có.

Điều nữa tôi muốn đề cập là chúng ta phải hành động phối hợp nhằm tăng cường các quá trình liên kết trong khuôn khổ châu Á-Thái Bình Dương. Công việc to lớn này đã được khởi xướng và cần được tiếp tục. Nhưng khối lượng công việc là rất nhiều và chúng ta cũng cần tính đến mọi yếu tố tác động tới mối quan hệ đang phát triển này, đặc biệt là sự phát triển chung của chúng ta.

PV: Gần đây, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí việc hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ hai nước sẽ triển khai những thỏa thuận này như thế nào?

Thủ tướng Medvedev: Tôi cho rằng chúng ta cần phải mở rộng thêm các hướng hợp tác và triển vọng phối hợp hành động trong lĩnh vực là sáng sủa, chẳng hạn chuyển sang hợp tác công nghệ cao và hình thức mới cung cấp năng lượng-nhiên liệu. Tôi cho rằng cả Nga và Việt Nam đều quan tâm đến việc cung cấp kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng vì thế giới đang thay đổi và công nghệ ngày càng tiên tiến. Hai nước chúng ta ngoài việc trao đổi thành phẩm và bán thành phẩm như dầu mỏ và khí đốt thì cần phải mở rộng sang lĩnh vực chế biến nhiên liệu-năng lượng.

Nếu chúng ta tập trung cho hướng hợp tác này thì kết quả sẽ còn cao hơn. Trong tương lai, chúng ta có thể cung cấp cho nhau khí đốt hỏa lỏng, một vấn đề mà tôi cho rằng các bạn Việt Nam cũng rất quan tâm, đặc biệt là từ các xí nghiệp của Nga hoạt động tại khu vực Siberia và Viễn Đông.

PV: Tại Hội nghị APEC 2012, các nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra một thông điệp ngắn gọn và rõ ràng là: “Nước Nga đã sẵn sàng trở thành cầu nối kinh tế, giáo dục giữa Đông và Tây với tất cả lợi thế và trách nhiệm cao nhất”. Vậy xin Thủ tướng cho biết Nga sẽ làm gì vượt qua những trở ngại và thách thức đang nổi lên trong khu vực châu Á – TBD để thực hiện thông điệp đó?

Thủ tướng Medvedev: Quả thực, chúng tôi vẫn coi ý tưởng phát triển nước Nga trong bối cảnh chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là một vấn đề thiết thân của chúng tôi. Chúng tôi đã có chương trình phát triển khu vực Đông Siberia và Viễn Đông của mình trong mối liên hệ chặt chẽ với phát triển khu vực này. Trong quá trình phát triển, cũng như cả thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải đối mặt với không ít thách thức và khó khăn đang nổi lên. Đó là tình trạng nghèo đói, vấn đề sinh thái cũng như khó khăn về tài chính.

Với tư cách là một quốc gia của khu vực này, chúng tôi cũng phải đối mặt với những thách thức đó. Vì vậy, Nga chủ trương ra sức phát triển quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tham gia đối thoại tất cả mọi vấn đề liên quan đến quá trình phát triển của khu vực.

Trước hết đó là thống nhất các nguyên tắc thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Nga coi là một vấn đề quan trọng. Mỗi thành viên chúng ta thường có ý kiến riêng của mình về vấn đề thương mại khi gặp nhau, cả ở diễn đàn ASEAN, hay trong khuôn khổ ASEM. Chúng ta trao đổi về vấn đề hợp tác thương mại và trước hết cần phải có một tiếng nói kinh tế chung. Bởi vậy, sự thống nhất các nguyên tắc thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một vấn đề rất quan trọng. Một thách thức nữa mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt và đặc biệt là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương với số dân rất đông, đó là an ninh lương thực, vấn đề thực phẩm. Vậy chúng ta phải làm sao một mặt áp dụng những công nghệ mới trong sản xuất, mặt khác phải nỗ lực để các sản phẩm đáp ứng được mọi người trong khu vực này, phải làm sao cân bằng được nguồn thực có của mình để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của mọi người. Bởi vậy chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi chủ đề này. Nước Nga có khá nhiều tiềm năng với lãnh thổ rộng lớn và nhiều năng lực, nên chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy các quan hệ hợp tác với các bạn hàng gần gũi và đối tác trong khu vực.

Hướng thứ ba mà chúng tôi thấy cũng rất quan trọng đối với Nga cũng như các nước APEC, đó là cần xây dựng được một thể chế đúng đắn mới trong kinh tế. Chúng ta cần thiết lập một hệ thống giao thông liên lạc phù hợp, mối quan hệ phù hợp. Và nước Nga với vai trò là mối liên kết của cả hai lục địa nên rất cần phát triển hạ tầng cơ sở của tuyến giao thông. Việc thông thương hàng hóa qua lãnh thổ Nga sẽ giúp các nước trong khu vực giảm được chi phí và Nga cũng có thêm nguồn thu ngân sách. Bởi vậy tôi thấy rất cần thiết khi phát triển nước Nga cần đặt trong bối cảnh thống nhất với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mối quan hệ Đông – Tây. Đó là 3 trong số nhiều thách thức mà chúng ta cần xử lý.

PV: Xin cảm ơn Thủ tướng!./.