Sáng nay 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Tiểu ban. Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với cả thế giới và nước ta, cuộc họp nhằm tiếp thu ý kiến của các thành viên Tiểu ban, các chuyên gia, nhà khoa học… để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo báo cáo văn kiện do Tiểu ban xây dựng.
Thủ tướng đánh giá, trong khó khăn, giá trị đất nước, giá trị dân tộc được nâng lên. Và trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, Thủ tướng cho rằng, quản trị, điều hành đất nước cũng cần có sự nhạy cảm hơn để thích ứng, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Đây là những điều cần được nêu trong dự thảo Phương hướng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 và 10 năm tới.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất việc đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến nước ta, khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Do đó nhiều ý kiến đồng tình với Chính phủ về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng dương trong năm nay và ở mức khoảng 2%.
Do tác động của đại dịch, các thành viên dự họp cho rằng, cần nhận diện kinh tế xã hội sẽ còn tiếp tục khó khăn trong các năm 2021-2022. Do đó, các văn kiện báo cáo gồm Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 phải làm rõ điều này.
Dù năm 2020 gặp khó khăn nhưng các thành viên dự họp đề nghị báo cáo làm đậm và rõ nét hơn những kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 2016-2020, là “điểm tựa” tạo niềm tin để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Trong đó, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xuất siêu, phát triển nông nghiệp, nông thôn…, thì cũng cần nhấn mạnh đến việc huy động hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, lên đến 34% GDP, thay vì chỉ dựa vào ngân sách.
Nêu nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội cả 5 và 10 năm tới, một số đại biểu nhấn mạnh đến thách thức về an ninh phi truyền thống, bao trùm là an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu; dịch bệnh; môi trường. Cần lưu ý sau đại dịch Covid-19 có thể có những thay đổi trong quan hệ, cạnh tranh quốc tế, từ đó có những biện pháp đảm bảo về an ninh, quốc phòng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh lương lực. Cần tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông thôn thực sự như là một bệ đỡ trước các cú sốc, bất ổn.
Từ tác động dịch bệnh, một số đại biểu đặt vấn đề phát triển con người và văn hóa Việt Nam, trong đó cần giáo dục thế hệ trẻ về việc thích ứng, chung sống với những bất ổn có thể xảy ra, như đại dịch Covid-19 lần này, tránh tình trạng như hiện nay, nhiều người có tâm lý chờ đại dịch đi qua thay vì thích nghi, sống chung với dịch.
Tình cảm dân tộc, ý Đảng, lòng dân
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành viên dự họp đã nêu các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, bày tỏ tán thành với nhiều đại biểu về nhiều vấn đề cần rút ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19:
Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong khó khăn của nước ta, chúng ta đã cố gắng vượt qua. Giá trị đất nước, giá trị dân tộc trong khó khăn ấy được nâng lên. Tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương mới công bố thì 97% người dân được hỏi ý kiến đều tin tưởng những biện pháp có kết quả của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Điều đó nói lên tình cảm dân tộc, ý Đảng, lòng dân. Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Cả thế giới và Việt Nam đều gặp trở ngại trong phát triển hiện nay, không chỉ Covid-19 mà xung đột toàn cầu làm ảnh hưởng đến sự phát triển, thì vấn đề khát vọng dân tộc, đổi mới sán tạo với nền tảng văn hóa, con người Việt Nam, đó là vấn đề cần khẳng định để khắc phục khó khăn, … chiến lược, đưa đất nước ta tiến lên trong thời gian tới."
Nêu điều đó, Thủ tướng yêu cầu, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội phải bám sát tình hình, cập nhật số liệu chính xác hơn, nhất là số liệu vĩ mô; làm rõ hơn, nổi bật hơn kết quả thực hiện mục tiêu kép năm 2020, vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế xã hội. Thủ tướng tán thành với nhiều thành viên dự họp, các chuyên gia kinh tế về việc phấn đấu tăng trưởng 2% trong năm nay cũng là một nỗ lực.
"Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2% cũng là cố gắng rất lớn trong năm 2020. Đây không phải là bệnh thành tích mà cả thế giới, khu vực gặp khó khăn mà chúng ta không đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn để làm đà cho phát triển sắp tới. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy định hướng đúng và giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng ta"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới
Thủ tướng cũng lưu ý chủ đề của Chiến lược cần nhất quán với dự thảo báo cáo chính trị, văn kiện trung tâm của Đại hội Đảng. Trong đó xác định đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Thủ tướng đồng ý với Tổ biên tập về bổ sung nội hàm chuyển đổi số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, đẩy phát triển mạnh doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc, vấn đề giáo dục, đào tạo nghề, thu hút nhân tài…
Về các mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu làm rõ tác động của đại dịch Covid-19, các yếu tố tác động đến quá trình phát triển, tiếp tục theo dõi sát tình hình, đưa ra các phân tích, dự báo, tham khảo ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó có các chỉ số quan trọng như tăng trưởng, thu nhập bình quân, tỷ trọng kinh tế số... Thủ tướng tán thành với nhiều chuyên gia, thành viên dự họp về việc không nên chốt cứng mức bội chi ngân sách trong bối cảnh hiện nay, nhưng phải tiếp tục có biện pháp kiểm soát lạm phát, đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Về đột phá chiến lược, Tiểu ban nhất trí bổ sung nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực chỉ số quốc gia mới có tính tự chủ, khả năng thích ứng chống chịu của nền kinh tế. Tổ biên tập, Thường trực ban chỉ đạo xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, bổ sung thêm các nội hàm mới phù hợp với tình hình mới, cả về thể chế, nhân lực và hạ tầng để tạo điều kiện cho sự phát triển.
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tiểu ban cơ bản đồng ý với bổ sung của Tổ biên tập, trong đó có đề xuất bổ sung nội dung về văn hóa xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh con người. Tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị cũng cần rà soát, điều chỉnh, có các phương án để báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính ngân sách, đầu tư công để vừa phục vụ cho xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025.
Vấn đề quan trọng khác là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của Covid-19. Đây là những nội dung cần được đề cập trong Chiến lược và Kế hoạch 5 năm.
Về kế hoạch hoạt động tiểu ban Kinh tế-Xã hội, từ nay đến Đại hội XIII, Tiểu Ban giao Tổ Biên tập tiếp tục rà soát hoàn thiện những kế hoạch cụ thể, thường xuyên báo cáo thường trực Tiểu ban, nhất là những vấn đề mới phát sinh, trong đó có việc hoàn thiện các báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10./.