Sáng 9/8, tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Tiền Giang - Cơ hội đầu tư, đồng hành phát triển”. Cùng dự có khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp và từ đầu năm đến nay đã tổ chức được hai lần. Nửa đầu năm, tỉnh thu hút được 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 7.000 tỷ đồng. Cùng với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh cho biết đã mở chuyên mục "Đối thoại doanh nghiệp" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và công bố các đường dây nóng của các sở, ban, ngành trên trang dịch vụ hành chính công "Một cửa điện tử" để tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị |
Cho rằng Tiền Giang có lợi thế và tiềm năng phát triển lớn, Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề bài phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị này là “Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đó, Thủ tướng đã nêu lên nhiều lợi thế phát triển của tỉnh với các nhà đầu tư, như có vị trí đắc địa để phát triển khi hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Bởi Tiền Giang có sự kết nối thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120km và có trục cao tốc Trung Lương cùng nhiều quốc lộ khác sẽ qua tỉnh. Đây còn là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Tiền Giang là tỉnh ven sông, có hệ sinh thái đặc biệt là sông ngòi, nguồn nước phong phú, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi. Thủ tướng cho rằng, Tiền Giang là “mặt tiền” của Đồng bằng Sông Cửu Long...
Nêu lên nhiều lợi thế như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu Tiền Giang không thu hút được những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp có tầm nhìn xa trong các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả, là điều hết sức vô lý.
Thủ tướng cho rằng Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới có thêm những động lực cho sự phát triển |
Thủ tướng cũng nhắc lại các tài liệu lịch sử cho thấy một Mỹ Tho nổi tiếng ngay từ thế kỷ 17, cùng Cù Lao Phố (Biên Hòa) là hai trung tâm thương mại tấp nập nhất của Nam bộ. Mỹ Tho trước đây chiếm vị trí quan trọng bậc nhất của các ghe chài lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn. Đây cũng là địa phương có đường sắt đầu tiên của Đông Dương... Nêu lên những điều đó, Thủ tướng đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta không thể “phục hưng” lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa?!
Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng gợi ý: "Nếu đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “vương quốc” trái cây của cả nước thì Tiền Giang được xem là “vương quốc” của “vương quốc” trái cây. Nhiều trái cây nổi tiếng như thanh long chợ Gạo, khóm Tân Phước, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn... Chính vì vậy mà câu hỏi của tôi khi đến với hội nghị này là, liệu Tiền Giang có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không? Tôi rất mong đợi các câu trả lời từ các nhà đầu tư hôm nay và chính quyền tỉnh Tiền Giang trong tương lai gần".
Thủ tướng cũng đánh giá, Tiền Giang hội tụ đủ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển một cách hiệu quả và quyết tâm cao. Chính phủ thấu hiểu điều này nên qua các thời kỳ đã dành nhiều ngân sách cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của Tiền Giang trước đây, hiện nay cũng như trong tương lai.
Cùng với nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng đánh giá cao Tiền Giang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 tăng 9 bậc, từ thứ 49 lên đứng thứ 40.
Tỉnh cũng đã có chủ trương lập 4 dự án chuỗi sản xuất, tiêu thụ cho 4 sản phẩm chủ lực của tỉnh là thanh long, sầu riêng, trứng gà ác, trứng chim cút. Đây là chủ trương phù hợp trong bối cảnh liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp còn rời rạc. Đánh giá Tiền Giang có tiềm năng lao động lớn, dễ tuyển dụng, Thủ tướng cho rằng đây là lợi thế cho doanh nghiệp vì chi phí lao động thấp. Thủ tướng cho rằng điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia.
Thủ tướng chứng kiến sự kiện tỉnh Tiền Giang trao giấy chứng nhận đầu thư cho 18 dự án |
Từ rất nhiều lợi thế so sánh của Tiền Giang cũng như những nỗ lực của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: "Các doanh nghiệp không nên chậm trễ những dự án, những kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang, bởi tất cả chúng ta đều nhìn thấy một địa phương như Tiền Giang đang ngày càng quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước. Một tỉnh Tiền Giang đang phát triển nhanh mà doanh nghiệp làm chậm là vô lý. Trong năm 2016-2017 và 8 tháng năm 2018, kinh tế Tiền Giang luôn duy trì tăng trưởng bình quân khá cao, 8%/năm, là một trong 3 tỉnh tăng trưởng cao nhất đồng bằng sông Cửu Long, kể cả về số doanh nghiệp mới. Không lý gì tỉnh phát triển nhanh như vậy mà doanh nghiệp lại đầu tư chậm?!".
Với dư nợ tín dụng của Tiền Giang hiện nay ở mức gần 49.000 tỉ đồng, tương đương 63% GRDP của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Tiền Giang còn rất lớn, là dư địa lớn cho tăng trưởng./.