Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Trước đó, ngày 26/2, Thủ tướng đã ký Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.
Công điện nêu rõ: Từ ngày 24/02/2022, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp trong đó có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại Ukraine, chủ yếu là Kharkiv, Odessa và thủ đô Kyiv và một số nơi khác... Trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao xây dựng Phương án đảm bảo an ninh, an toàn; sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác; Chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận lập danh sách công dân Việt Nam đang ở trong khu vực chiến sự, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị; Trao đổi với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo đề nghị hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đưa người Việt và thành viên gia đình về nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kiến nghị biện pháp phù hợp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan rà soát, thống kê số lượng người Việt Nam đang công tác, lao động, học tập tại Ukraine và thông báo cho Bộ Ngoại giao để triển khai hỗ trợ, sơ tán công dân khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ Công an phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người gốc Việt và thành viên gia đình.
Theo Bộ Ngoại giao, tính đến trưa 3/3, hầu hết bà con người Việt Nam đã ra khỏi Kiev, Odessa và hàng trăm người ở Kharkiv đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. Hiện nay tổ công tác bảo hộ công dân cùng các đơn vị liên quan đang phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine các nước lân cận như Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia để ưu tiên đưa bà con khỏi vùng chiến sự ở Ukraine sang các nước lân cận.
Hiện, khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện đang trên đường tới Romania, 140 người từ Ukraine sang Ba Lan và hiện đang ở Warsrawa, 70 người đã sang Romania, 33 người đã tới Slovakia và khoảng 30 người đã tới Hungary.
“Các cơ quan đại diện của Việt Nam đang hỗ trợ thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con trong quá trình nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú, đồng thời phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn Việt Nam ở sở tại để đón và thu xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ ngành liên quan và các hãng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sơ tán bằng đường hàng không cho công dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và ưu tiên cao nhất hiện nay của Bộ Ngoại giao cũng như các bộ ngành liên quan để sớm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các nước lân cận về Việt Nam.
Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cụ thể, chi tiết và công khai, minh bạch về các lộ trình cũng như điều kiện và chi phí nếu có đối với các chuyến bay./.