Sáng nay (25/4), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ, bàn về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đây là vấn đề người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, bởi liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tháo gỡ cho được các vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Tất cả các Bộ đều phải đẩy nhanh ban hành các nghị định hướng dẫn theo quy trình rút gọn để từ 1/7 khi Luật có hiệu lực thì phải có Nghị định, không để khoảng trống pháp luật.

vov_thu_tuong_mgbe.jpg
Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết những bức xúc của doanh nghiệp mà báo chí đã nêu

Phân tích về các vướng mắc trong triển khai Luật DN, Luật đầu tư sau 10 tháng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Doanh nghiệp chủ yếu có vướng mắc mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ và thái độ, cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan.

Thế nhưng với Luật Đầu tư có nhiều phát sinh, vướng mắc. Có ba nhóm vướng mắc cụ thể được nêu ra.

Thứ nhất là hiện có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015 của Chính phủ và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư; thứ hai là vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư; thứ ba là các vấn đề, các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện việc thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký DN. Chính vướng mắc loại này làm kéo dài thời gian, phát sinh thêm yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, thậm chí làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện việc tập hợp và công bố công khai các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia theo đúng quy định của của Luật Đầu tư. Ngoài ra, việc soạn thảo các Nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 còn chậm. Điều này có thể dẫn đến từ ngày 1/7 tới đây, khi một loạt các luật có hiệu lực thì lại chưa có Nghị định hướng dẫn về điều kiện kinh doanh.

Thêm vào đó, các Bộ cũng chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo lãnh đạo các Bộ tham gia cuộc họp, thì thời gian còn lại là khá ít để có thể hoàn thành các Nghị định hướng dẫn. Nhưng nếu không sớm xây dựng, ban hành, thì sẽ xảy ra lỗ hổng pháp lý, khiến DN và người dân gặp khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp 

Sau khi nghe các ý kiến của các bộ, ngành, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận, tinh thần của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng là quyết tâm chính trị cao để thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, không để khoảng trống pháp lý. Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải bắt tay ngay vào việc để kịp thời gian.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tinh thần là phải cải cách đổi mới, tạo mọi điều kiện sản xuất kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, ủng hộ bảo về quyền kinh doanh, công khai hóa các điều kiện kinh doanh; không làm trái luật và không ban hành giấy phép con, đặc biệt là khi thực hiện Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, trong quá trình thực hiện hai luật này phải gắn với thực hiện Nghị quyết 19, đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, các Bộ cần nhận thức, nếu thấy doanh nghiệp xếp hàng quá dài tại Bộ mình, thì đó không phải tinh thần của Luật này.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường vai trò của Tổ công tác giám sát thực hiện hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để kiểm tra, phát hiện các vướng mắc và sớm giải quyết. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh, đó là bộ máy công chức phải phục vụ nhân dân, phục vụ DN, phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật để Luật để đi vào cuộc sống.

“Nếu có cải cách tốt, hành chính tốt, luật pháp tốt, nhưng cán bộ không tốt, không phẩm chất, không có năng lực sẽ gây cản trở sự phát triển”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, nếu có quyết tâm chính trị cao, thì hai Luật Đầu tư và Doanh nghiệp này sẽ đi vào cuộc sống đúng thời điểm mà không để khoảng trống pháp lý. Để nhanh chóng ban hành các Nghị định cần thiết, Thủ tướng chỉ đạo, đồng ý làm nghị định theo quy trình rút gọn theo điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Khi xây dựng các Nghị định hướng dẫn, điều Thủ tướng lưu ý là các Bộ tháo gỡ vướng mắc nhưng phải nhận thức rất rõ quy trình thủ tục, sao cho rút ngắn hơn chứ không lớn như hiện nay.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện Nghị định sửa nhiều Nghị định. Với các điều kiện kinh doanh do các Bộ chuyên ngành ban hành, thì phải tập hợp hợp về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ban hành một Nghị định chung. Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ cũng phải tham gia chủ trì, đôn đốc triển khai.

Thủ tướng yêu cầu hạn cuối là 30/5, các Bộ chủ quản phải thực hiện xong nhiệm vụ của mình, để cho kịp ban hành Nghị định vào ngày 1/7. Đối với việc nâng từ Thông tư lên Nghị định thì các bộ phải thực hiện đúng thời gian, theo quy trình ban hành rút gọn, để thống nhất thực thi trong cả nước kể cả từ 1/7.

Đối với thực tiễn một số luật còn vướng hoặc vênh nhau, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát để trình Chính phủ trong thời gian tới./.