Cuộc đối thoại lần này có chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội nông dân Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nông dân. Trong đó, riêng đại biểu là nông dân có hơn 300 người là nông dân xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho 14 triệu hộ nông dân Việt Nam.
Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với nông dân về hai nhóm vấn đề chính, thứ nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy công nghiệp chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Thứ hai là giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Phát biểu trước khi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nông dân cả nước gửi 1.400 câu hỏi cho Thủ tướng, đồng thời nhấn mạnh lại vị thế rất quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đối với các giai đoạn phát triển của đất nước. Trong bối cảnh COVID-19 tác động sâu sắc đến toàn thế giới, thì nông nghiệp Việt Nam vẫn là trụ đỡ quan trọng của đất nước.
Tự hào về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Thủ tướng cho biết, dù đại dịch COVID-19 nhưng năm nay nông nghiệp được mùa, được giá, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Số hộ thiếu đói đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trăn trở về những khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước còn nhiều việc phải làm.
“Trong đó trước mắt cần mở rộng các thi trường xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU; thúc đẩy công nghiệp chế biến khi tỉ lệ còn thấp; vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thông còn thấp; đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu…Trong bối cảnh mới, Thủ tướng cho rằng, có hai vấn đề quan trọng đặt ra cho nông dân Việt Nam. Thứ nhất là cần hình thành tầng lớp nông dân có tư duy mới, kiến thức, trí thức mới thay vì vẫn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; thứ hai là nâng cao tính tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Giữ thương hiệu “quý hơn vàng” của cà phê
Trong chương trình đối thoại, các câu hỏi của nông dân tập trung vào một số vấn đề như xác định loại cây chiến lược cho vùng Tây nguyên hiện nay trong bối cảnh đầu ra cho cà phê gặp khó khăn; vấn đề trồng cây mắc ca nhưng không có quả; vấn đề nuôi biển thay vì chỉ tập trung đánh bắt xa bờ; vấn đề tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn để tái canh cây cà phê, vay để mở rộng sản xuất…
Nông dân Đỗ Quý Toán, tỉnh Đắk Lắk, chuyên sản xuất cà phê chồn theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời đặt câu hỏi: "Kính thưa Thủ tướng, trong thời gian vừa qua, giá cà phê xuống tất thấp, những hộ nông dân, bà con trăn trở, âu lo, muốn chặt bỏ cây cà phê để trồng cây khác. Xin Thủ tướng cho biết người trồng cà phê có nên thay đổi cây trồng gắn với lịch sử văn hóa vùng đất Tây Nguyên này không? Chính phủ có định hướng gì để chuyển đổi cây trồng khác và định hướng được cây trồng chủ lực của vùng Tây nguyên?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: "Tôi xin nói luôn bây giờ cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Tôi nói luôn giải pháp, đó một là quy hoạch vùng sản xuất cho rõ ràng, thâm canh tốt hơn nữa, không được tiếp tục phá rừng tự nhiên trồng cà phê mà phải nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh tốt hơn nữa trong trồng cà phê. Thứ ba về phía Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục mở rộng, ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cây cà phê. Thứ tư là chế biến sâu hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa. Riêng cà phê Tây Nguyên, cà phê của Đắk Lắk luôn luôn giữ thương hiệu “quý hơn vàng” để chúng ta có mặt hàng sản xuất tốt nhất, chiếm trữ lượng cao nhất thế giới. Chúng ta mới chế biến cà phê được 12%, chênh lệch với sản xuất thô rất lớn. Nhưng không phải mọi người, mọi nhà đều trồng cà phê mà phải có cơ cấu tốt nhất.
Truy tố đối tượng làm phân bón giả
Quan tâm đến việc phân bón giả ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như chất lượng của nông sản Việt Nam, nông dân Trần Thị Hoàng Anh, tỉnh Gia Lai, người đang liên kết với doanh nghiệp trồng 600ha điều hữu cơ, nêu câu hỏi: "Những năm qua, Chính phủ và các bộ ngành đã tăng cường các giải pháp, quy định của pháp luật về quản lý phân bón, chống phân bón giả. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn thì thời gian tới đây Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả?"
Được sự ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi này. Bộ trưởng cho biết, dù đã có nhiều tiến bộ, xong vẫn cần tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, kể cả quy trình ứng dụng. Theo đó phải làm đồng bộ khâu tổ chức sản xuất sạch nhất. Cùng với đó là có quy chuẩn đối với từng loại cây trồng để đảm bảo các nhu cầu xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Tăng cường quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và các tỉnh để giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng dụng phân bón cùng các vật tư khác.
Nhấn mạnh cần xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
“Phải điều tra truy tố xét xử nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật những tổ chức, cá nhân tổ chức tiêu thụ phân bón giả. Phải xử từng vụ một. Nông dân chúng ta, hộ nông dân các cấp phải cùng phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả đưa vào tiêu thụ, phải nghiêm cái này mới được. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc nghiêm khắc nhất thì mới giải quyết được, bên cạnh cái giáo dục ra, đồng tâm hiệp lực lên án hành vi tiêu cực tham nhũng, lợi dụng này trong tổ chức, sản xuất các loại phân bón, vật tư giả, kể cả giống…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Trong khi đó, nông dân Vi Thị Thanh, ở tỉnh Đăk Nông, người đang sản xuất kinh doanh tổng hợp, trồng cà phê đặt câu hỏi: Trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp chủ lực, truyền thống của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới. Nông dân Tây Nguyên đã đầu tư trồng mắc ca rất nhiều, nhưng trồng được 5 – 6 năm mới biết cây mắc ca không có quả hoặc rất ít quả, nguyên nhân là giống cây mắc ca kém chất lượng. Điển hình là tại huyện Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông đang có rất nhiều nông dân khốn khổ vì mắc ca không có trái.Vậy xin hỏi sắp tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì về việc phát triển cây mắc ca?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày mai Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam. Nhu cầu mắc ca ở thế giới đã tăng lên 200%. Có thể thấy, cây mắc ca vô cùng có hiệu quả. Ngày mai chúng ta sẽ tổng kết để chỉ ra đâu là thành công hay không thành công, nguyên nhân và giải pháp phát triển mắc ca tại Việt Nam. Về cây giống không ra trái, yêu cầu kiểm tra ai cung cấp giống không phù hợp khiến cho cây Mắc ca không ra trái hoặc ra trái rất ít. Tại hội nghị ngày mai, mời chị Thanh tham gia và chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ tất cả các bên để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển cây mắc ca ở nước ta.
Không để EU rút “thẻ đỏ” về thủy sản
Về vấn đề nuôi trồng thủy sản, nông dân Lê Minh Quyền, ở tỉnh Khánh Hòa, chuyên nuôi trồng thủy sản với 76 lồng nuôi tôm hùm đặt câu hỏi: “Kính thưa Thủ tướng, Hiện nay, tôi được biết đã có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân xây dựng mô hình nuôi biển và khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung được đánh giá là nơi rất có tiềm năng với diện tích mặt nước biển để nuôi lên tới hàng triệu ha. Thế nhưng cho đến nay, việc quan tâm đầu tư cũng như chiến lược để phát triển nghề nuôi biển tuy đã đặt ra nhưng chưa sát thực tế, để tạo điều kiện cho bà con nuôi trồng. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có những chính sách, giải pháp gì để phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi biển ở nước ta?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Một là chúng ta phải có chính sách, chiến lược nuôi biển đặt ra. Nhưng chúng ta đặt vấn đề an toàn cho ngư dân và các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng. Tôi yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hướng dẫn ngư dân về các chính sách này. Thứ hai, tôi lưu ý bà con, khi có bão vào thì phải lên bờ hết. Phía Nhà nước ghi nhận cần có thêm thông tin về đánh bắt để hỗ trợ bà con ngư dân. Đài VOV họ đưa thông tin hàng ngày. Viettel hỗ trợ thông tin liên lạc. Nhưng việc cung cấp bản đồ khoa học để đánh bắt đúng mức thì chưa làm tốt.
“Nhân đây tôi nói một ý rất quan trọng hiện nay là hiện EU có thể rút thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam nếu chúng ta tiếp tục khai thác đánh bắt ở vùng biển không phải của Việt Nam. Nếu chúng ta vi phạm thì sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ bị EU đóng cửa. Mong bà con lưu ý và quán triệt tinh thần này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trong phần đối thoại tiếp theo, nhiều câu hỏi của nông dân đặt ra với Thủ tướng về an sinh xã hội, trong đó có việc người dân bỏ đất làm thuê, vấn đề dịch bệnh, giáo dục ở Tây nguyên, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tín dụng đen, vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Tây nguyên…
Nông dân Vũ Văn Thủy, tỉnh Đắc Nông, nêu câu hỏi với Thủ tướng: Kính thưa Thủ tướng, cách đây trên 10 năm Tây Nguyên là mảnh đất trù phú, người dân đến đây lập nghiệp rất nhiều, nhưng bây giờ người dân bỏ đất đi làm thuê, đi làm mướn, bỏ lại đất đai hoang hóa. Xin hỏi Thủ tướng, Thủ tướng có biện pháp gì để cho người dân yên tâm sản xuất?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra: Bỏ ruộng bỏ rẫy mà người ta đi nguyên nhân vì sao, đó chính là thu nhập và việc làm, đó là đời sống vật chất tinh thần văn hóa của người dân ở địa phương. Cho nên muốn giải quyết vấn đề này phải tạo việc làm, giải quyết thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Cuộc di dân tự do là một quy luật, tôi mong rằng là các địa phương, tỉnh ủy, UBND các đồng chí quan tâm vùng khó khăn làm sao vùng ấy có điều kiện hạ tầng tốt, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để giải quyết việc làm cho người dân, đó là biện pháp mà người dân không chuyển đi nơi khác.
Quan tâm đến vấn đề y tế và giáo dục, nông dân Phan Đình Xuân, tỉnh Đắc Lắc, đặt câu hỏi: Kính thưa Thủ tướng, việc phát triển vấn đề y tế giáo dục ở Tây Nguyên rất hạn chế, điển hình như bệnh bạch hầu tưởng chừng đã được thanh toán rồi mới đây bùng phát thành dịch ở Tây Nguyên do việc tiêm chủng không được đầy đủ. Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để phát triển vấn đề y tế, giáo dục ở Tây Nguyên, xin cảm ơn Thủ tướng.
Sau khi giao lãnh đạo các Bộ Y tế, Giáo duc và Đào tạo trả lời nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua sự kiện này, tôi đưa thông điệp đến bà con nông dân chúng ta hãy dành dụm tạo mọi điều kiện cho con em chúng ta, các cháu chúng ta có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Đảng Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục, y tế nói chung, các vấn đề xã hội của cả nước. Đâu là nhiệm vụ quan trọng kể cả các cấp học, đi liền với giáo dục cơ bản đó là vấn đề dạy học nghề cho các em các cháu có thu nhập, Nhà nước sẽ nâng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo đối với các tỉnh khó khăn, nhất là các vùng như Tây nguyên. Bệnh bạch hầu không nguy hiểm như Covid-19. Điều mà chúng ta rút ra được là tiêm chủng, tất cả trẻ em sinh ra đều phải tiêm chủng, đó là biện pháp ngăn chặn tốt nhất.
Kết thúc buổi đối thoại đã có 22 câu hỏi trực tiếp của nông dân và được Thủ tướng cùng 14 đại biểu bộ, ngành, địa phương trả lời thẳng thắn, cởi mở. Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, toàn diện đến ngày hôm nay, có sự lãnh đạo của Đảng ta, nhưng đặc biệt là có 19 triệu lao động khu vực nông thôn. Buổi đối thoại này mang tính toàn diện hơn các buổi đối thoại trước, bởi không chỉ vấn đề kinh tế mà cả văn hóa, xã hội…
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, dồn sức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện đã có nhiều chương trình hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực khác. Thách thức càng lớn thì quyết tâm của Chính phủ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng mạnh mẽ. Cuộc đối thoại trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, do đó những thông tin nêu ra hôm nay sẽ góp phần hình thành biện pháp quan trọng để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ví nông nghiệp nước ta là “mỏ vàng”, nhưng Thủ tướng cho rằng, nếu không biết cách khai thác sẽ cạn kiệt và không hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, một khát vọng của một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 cũng chính là khát vọng của người nông dân Việt Nam về một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ./.