Thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành của những người đứng đầu các cơ quan Đảng và Nhà nước. Qua kiểm tra, thanh tra giúp cho người lãnh đạo, quản lý cấp trên thấy được những yếu kém, thiếu sót, những điểm chưa phù hợp, thiếu đồng bộ để uốn nắn kịp thời. Tuy nhiên, kết quả công tác thanh tra hiện nay mới chỉ dừng lại ở những con số.

Ngày như báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cho thấy, qua công tác thanh tra, trên 5.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 190.000 cuộc kiểm tra chuyên ngành được tiến hành, đã kiến nghị thu hồi gần 20.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với gần 1.600 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng....

le_minh_khai_utew_zqpi.jpg
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Hầu hết các lĩnh vực mới được liệt kê bằng những con số, mà chưa phát hiện được vấn đề bức xúc, bất cập, để từ đó đề xuất biện pháp chấn chỉnh. Đây cũng là trăn trở được thanh tra các Bộ, ngành đề cập tại nhiều cuộc họp.

Tại hội nghị giao ban công tác thanh tra năm 2017 của các Bộ, ngành, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an thẳng thắn nhận định, hoạt động thanh tra hành chính, chuyên ngành hiện nay mới chỉ tập trung đánh giá về vật chất. Công tác quản lý, chấn chỉnh chưa được đề cập và đi sâu phân tích.

“Chúng ta mới chỉ đánh giá được về vật chất, thu hồi được bao nhiêu tiền, xử lý được bao nhiêu tiền. Qua công tác thanh tra này cũng cần phát hiện một số quy định không phù hợp, thậm chí lệch hướng, qua công tác thanh tra cũng cần phát hiện và kiến nghị. Chúng ta mới chỉ nêu xử lý hành chính. Thanh tra Chính phủ cũng cần nghiên cứu và nói thêm”-  Thiếu tướng Phạm Lê Xuất cho biết.

Dư luận xã hội thời gian qua không khỏi nghi ngại trước việc chậm công khai kết luận thanh tra, vụ việc điển hình mới đây là Kết luận thanh tra tài sản đối với gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Điều đáng nói, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc vụ việc từ tháng 7/2017, sau hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho công luận về kết quả thanh tra,  liên tục trì hoãn việc công bố kết luận thanh tra.

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, lòng tin của người dân đối với cán bộ làm công tác thanh tra đang “lung lay” khi mà Kết luận thanh tra còn chậm, chưa minh bạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Chúng ta gọi thanh “bảo kiếm” chống tham nhũng là công khai. Thực hiện công khai tốt chưa, theo tôi là chưa tốt. Vẫn còn rất nhiều tâm lý, công khai kết luận thanh tra phức tạp. Nếu không công khai thì Mặt trận, đoàn thể nhìn vào đó có đúng hay không. Công khai kết quả, thanh tra, kiểm tra là có quy định pháp luật, phải làm mạnh điều này” - ông Ngô Sách Thực nêu rõ.

Rõ ràng, công tác thanh tra, kiểm tra đang cần sự thay đổi, không chỉ là sự công khai, minh bạch trong triển khai công tác, mà còn là sự thay đổi trong thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập được phát huy trong công tác thanh tra, kiểm tra. Có như vậy, mới giúp cho công tác quản lý của nhà nước đạt hiệu quả, đặc biệt đối với những ngành và lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là điều được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ tại hội nghị sơ kết công tác thanh tra đầu năm 2017.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Thanh tra Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: “Thanh tra không chỉ nhằm mục đích xử lý vi phạm. Đó chỉ là một mặt nếu có vi phạm thì phải xử lý. Thanh tra phải công khai minh bạch, công bằng, đúng pháp luật, nhưng đồng thời phát hiện những vấn đề chưa hoàn chỉnh, hoàn thiện trong cơ chế chính sách của nhà nước, sơ hở trong công tác quản lý, dự án đầu tư... để xảy ra tình trạng chiếm hữu lợi ích không chính đáng, ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, tạo ra điều kiện sinh kế cho người dân để hài hòa sự phát triển. Đó chính là mục đích, và cũng là xây dựng đội ngũ thanh tra trong sạch vững mạnh vì nhân dân phục vụ”.

Sinh thời, khi ví “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách sâu sắc rằng, thanh tra không chỉ có vai trò giúp người lãnh đạo, quản lý xem xét đường lối chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đề ra có được thực hiện hay không, được thực hiện như thế nào và đến đâu; mà còn có vai trò giúp xem xét lại chính chủ trương, chính sách và pháp luật của mình đề ra đúng hay không đúng.

Do vậy, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra đã và đang đặt ra trách nhiệm đối với ngành Thanh tra những vấn đề bức xúc trong xã hội kịp thời phát hiện, xử lý góp phần xây dựng một xã hội công khai, minh bạch vì sự phát triển bền vững của đất nước./.