Bên cạnh các yếu tố ngoại lực, Thanh Hóa đã chuẩn bị cho mình nội lực đủ mạnh để vững tin bước vào hành trình mới để trở thành một cực tăng trưởng mới bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh như kỳ vọng của Trung ương. Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn VOV nhân dịp năm mới 2022.

Vững tin bước vào hành trình mới

PV: Nhìn lại năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, điều ông tâm đắc nhất là gì và còn điểm nào chưa hài lòng?

Ông Đỗ Trọng Hưng:Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt trên 36 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 5,339 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước.

Các hoạt động văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những hạn chế, đáng chú ý là còn 5/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, thu nhập bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư phát triển và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị có thời điểm còn bị động, lúng túng, để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Công tác quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương còn hạn chế; năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ…

Những hạn chế, tồn tại nêu trên cũng chính là những khó khăn, thách thức đã và đang làm cản trở sự phát triển đi lên của tỉnh.

PV: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cho địa phương những thời cơ, vận hội mới. Trung ương kỳ vọng Thanh Hoá tạo đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới. Vậy Thanh Hoá đã có sự chuẩn bị thế nào để nhập vào “đường ray”, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc?

Ông Đỗ Trọng Hưng: Đúng vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, để Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình trước sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương và quyết tâm tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Nghị quyết.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Thanh Hóa hoàn thành việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa cũng như ban hành kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Thanh Hóa cũng chủ động phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 11 vừa qua.

Có thể nói, Nghị quyết số 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị.

Quốc hội đã dành cho Thanh Hóa 8 chính sách đặc thù. Trong số đó có bổ sung, hỗ trợ nguồn lực cho địa phương và có phân cấp quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, quy hoạch, tạo sự chủ động, rút ngắn thời gian, tăng tính trách nhiệm của địa phương, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Bên cạnh yếu tố ngoại lực, Thanh Hóa cũng đã chuẩn bị cho mình nội lực đủ mạnh để vững tin bước vào cuộc hành trình mới, đó là những thành tựu mà tỉnh đạt được sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, đã tạo cho Thanh Hóa tâm thế mới, bước vào “bệ phóng”, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Biến chính sách thành kết quả, nỗ lực đáp lại kỳ vọng của Trung ương

PV: Có được cơ chế, chính sách đặc thù, Thanh Hoá sẽ tập trung triển khai như thế nào để tận dụng hiệu quả cơ hội đưa tỉnh vươn lên như kỳ vọng?

Ông Đỗ Trọng Hưng: Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, không tự thân mang lại hiệu quả, mà điều quan trọng hơn là Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.

Để đưa nhanh các cơ chế, chính sách đặc thù vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tăng thêm nguồn lực, động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37 của Quốc hội, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; đồng thời, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

Trên cơ sở nội dung 8 chính sách đặc thù, tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, nội dung công việc cụ thể; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách tương đồng như Thanh Hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục. Lấy Khu kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường kết nối với các địa phương, nhất là trong xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;  đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng...

Bước sang năm mới 2022 và chào đón Xuân Nhâm Dần, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hơn nữa cùng nhau xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.