Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Thái Nguyên cung cấp trên 2.000 thủ tục hành chính mức độ 4
Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,08% là mức tăng cao nhất trong 03 năm trở lại đây.
Đến nay, toàn tỉnh có 109/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2022 tỉnh phấn đấu có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan có liên quan về Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Đến nay, huyện Định Hoá đã đạt 19/39 chỉ tiêu và 2/9 tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 đạt trên 52 nghìn tỷ đồng, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 31 dự án FDI. 9 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho cho 19 lượt dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 8.763 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 128.000 tỷ đồng. Thái Nguyên đứng thứ 7/63 các địa phương trên cả nước về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao. Tỉnh đã ban hành Đề án và Quy định về một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021, giảm còn 2,16%, vượt chỉ tiêu đề ra. Các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Chương trình chuyển đổi số được tích cực triển khai thực hiện. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Điều hành thông minh; cung cấp trên 2.000 thủ tục hành chính (đạt 100%) đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số.
Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 được kịp thời triển khai. Trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền là 60,5 tỷ đồng; hỗ trợ 11 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh với số tiền gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ 31.006 người lao động và các đối tượng khác với số tiền hơn 43 tỷ đồng.
Tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách tối ưu
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên đoàn công tác, kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được, Thái Nguyên đã khắc phục được những điểm nghẽn mà các tỉnh thành phố khác đang gặp phải; đồng thời đánh giá cao việc giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số; xây dựng nông thôn mới; có tinh thần dám nghĩ, dám làm…
Chủ tịch Quốc hội nêu trong nhiệm kỳ qua, Thái Nguyên đã cụ thể hóa 5 định hướng lớn trong Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch, đây chính là phương thức lãnh đạo của Đảng mà tại Hội nghị Trung ương 6 vừa thảo luận, biểu quyết cao; đồng thời đề nghị, trong bối cảnh tình hình mới, tư duy mới, tầm nhìn mới, tình hình mới, tỉnh Thái Nguyên cần ra soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các nghị quyết, định hướng lớn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó phải định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý: "Sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Vậy, Thái Nguyên có nên xây dựng một chương trình, đề án học tập, quán triệt thực hiện lời dạy của Bác Hồ về sửa đổi lề lối làm việc. Thái Nguyên nên phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương, các ban xây dựng Đảng của Trung ương để nhân rộng mô hình này.
Từ mô hình điểm của Thái Nguyên, thí điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo. Thứ hai, tỉnh cần quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách tối ưu, tập trung để tiếp tục giải trình, tiếp thu các ý kiến điều chỉnh. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, cập nhật, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng, tỉnh theo tinh thần cập nhật định hướng phát triển vừa được thông qua sáng nay, nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển các tỉnh miền núi trung du phía Bắc. Và mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc".
Để năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Thái Nguyên cần gắn kết cấu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logicstic cho phù hợp với sự phát triển chung; FDI cần thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, tăng chất lượng theo hướng chọn lọc, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vẫn là trọng tâm của việc phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh cần có đề án dịch chuyển mạnh lao động, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, “li nông, không li hương”. Cần phát triển mạnh hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh tế. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh sản xuất chế biến chè thành hệ sinh thái, đầu tư thương hiệu, xuất khẩu ra nước ngoài. Đây cũng chính là thế mạnh của Thái Nguyên.
Nêu ra con số các trường Đại học, cao đẳng nghề tại Thái Nguyên nhiều, chỉ sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đào tạo nhân lực cũng là thế mạnh của Thái Nguyên. Vì vậy trong quy hoạch phát triển cần phải đề cập cụ thể.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cần dành toàn lực nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2022, phát huy tối đa lợi thế về cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc; tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hoạt động của HĐND các cấp.
Nhấn mạnh, việc đưa Định Hoá - Thủ đô gió ngàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nên việc triển khai sẽ có nhiều thuận lợi. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên tập trung nguồn lực, tháo gỡ các kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để huyện Định Hóa có thêm điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xứng đáng là trung tâm Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.
Cũng trong chiều 9/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Trung ương đã dự và cắt băng khánh thành tuyến đường Vạn Xuân, ở thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên./.