Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cách đường phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ chưa đầy 10 hải lý. Đảo có diện tích khoảng 4,5 km2 với 16 hộ dân, 50 nhân khẩu (ngoài các đơn vị quân đội đóng quân).
Từ khi hộ dân đầu tiên ra đảo năm 2006 với nhiều khó khăn, đến nay, đảo đã có điện lưới quốc gia, hồ chứa nước dự trữ sinh hoạt, các công trình điểm trường, cột cờ... giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây mới trong khuôn viên 2,89 ha với 22 công trình chính và phụ trợ theo kiến trúc cổ thời Trần với chất liệu gỗ, đá, gạch nung... Tổng kinh phí xây dựng khoảng 47 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Thời gian dự kiến hoàn thành 3 năm vào năm 2025.
Tham dự lễ động thổ khởi công Chùa Trúc Lâm đảo Trần, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc cho biết: “Đảo Trần là một phần thiêng liêng của lãnh thổ quốc gia. Nơi đây đã có cư dân,có lực lượng bảo vệ, nhưng việc có thêm một mái chùa chắc chắn sẽ mang lại những giá trị to lớn. Giá trị đó không chỉ là việc chia sẻ với những cư dân ở đây, mà còn là nơi để bà con phật tử và người dân có thể đến để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, sự giàu có của biển cả, và thêm tự hào, trách nhiệm về lãnh thổ quốc gia.
Có thể nói cùng với lịch sử rất lâu dài Phật giáo đồng hành với dân tộc, mái chùa như một dấu mốc, không chỉ của Phật giáo, mà còn là dấu mốc của lịch sử dựng nước và giữ nước. Tôi nghĩ rằng một ngày gần đây có một mái chùa sẽ mang lại cho những người cư dân những cảm xúc gắn liền mảnh đất xa xôi này với đất mẹ quê hương".
Lễ động thổ Dự án Chùa Trúc Lâm đảo Trần được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, an toàn tuyệt đối thể hiện quyết tâm đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Quảng Ninh. Đồng thời Dự án cũng phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Chính quyền, các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là Đảng bộ, Chính quyền nhân dân các Dân tộc huyện Cô Tô nói riêng và đối với sự kế thừa và phát triển bền vững của Phật Giáo trong lòng Quốc gia Dân tộc theo phương châm “Đạo đức- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội.”
Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là một công trình rất đặc biệt đối với vùng biên ải vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Các công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm tùy theo tiến độ. Thi công những công trình ở đây đòi hỏi rất nhiều yếu tố như thời tiết, thủy văn... nhưng tôi tin với sự phù trì của Tam bảo thì cột mốc tâm linh này sẽ hoàn thành một cách sớm nhất, và đưa vào phục vụ người dân có niềm tin, được sự phù trì của Tam bảo để bám biển, giữ biển trời Đông Bắc của Tổ quốc"./.