Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội đã kết thúc thành công theo hình thức trực tuyến, với Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược an ninh.
Trước khi Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 khai mạc, Bộ Quốc phòng Việt Nam - Chủ tịch các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN năm 2020 đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thiết lập ADMM+.
Các nước ADMM+ khẳng định, tiếp tục chủ động, tăng cường hợp tác; trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại vẫn duy trì trao đổi, hợp tác thường xuyên, nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN trong quá trình thích nghi với sự chuyển dịch về địa chiến lược và địa chính trị thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước Cộng.
Hội nghị đã đánh giá cao những tiến triển của ADMM+ trong 10 năm qua, trong đó, có việc thường xuyên hóa ADMM+ và nâng số lượng các Nhóm chuyên gia ADMM+ từ 5 nhóm lên 7 nhóm; đặc biệt là sự tiến triển trong hoạt động hợp tác thiết thực của các Nhóm chuyên gia ADMM+, bao gồm: Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa; An ninh biển; Quân y; Chống khủng bố; Gìn giữ hòa bình; Hành động Mìn nhân đạo; An ninh mạng. Qua đó, đóng góp cho việc xây dựng năng lực và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các nước thành viên ADMM+ nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, vì lợi ích chung của cả khu vực.
Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ đánh giá, hiện nay, khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như an ninh biển, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... có nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 10 năm thiết lập ADMM+, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhận định, ADMM+ đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một đòn bẩy giúp tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực. Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nhấn mạnh động lực để tăng cường niềm tin chiến lược và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
"Vai trò của ADMM+ được thực hiện kịp thời và đây cũng chính là những giá trị chúng tôi chia sẻ tại Ấn Độ. Những nguyên tắc mở và dung nạp của ADMM+ được đánh giá rất cao, qua đó tăng cường tin tưởng và giải quyết những vấn đề phức tạp hiện nay, qua đó mang lại hòa bình bền vững cho khu vực. Khi Hội nghị ADMM+ thông qua Tuyên bố chung là một bước đi giúp chúng ta giải quyết những thách thức an ninh chung, những thách thức đang ngày càng rõ ràng và có tính chất xuyên biên giới. Theo đó, yêu cầu các nước phải cùng hợp tác với nhau thay vì một mình ứng phó", Bộ trưởng Rajnath Singh nói.
Các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ cũng ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Các nước ADMM+ cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc phòng trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm nhằm xây dựng lòng tin, xây dựng năng lực ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa về an ninh chung trong khu vực, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam nhấn mạnh, các nước ADMM+ đã chủ động thích ứng, triển khai nhiều sáng kiến, cách làm mới qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số trong hợp tác quốc phòng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, Việt Nam thống nhất quan điểm cần thiết, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong xử lý các vấn đề còn khác biệt, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, bao gồm các tranh chấp trên Biển Đông. Nhấn mạnh, những tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể được xử lý hiệu quả trên tinh thần hữu nghị, thực tâm hợp tác, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong có có UNCLOS 1982, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, đồng thời, sớm kết thúc đàm phán và ra được COC thực chất và hiệu quả.
Nhấn mạnh, việc Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng cùng nhau thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và Kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+; thể hiện sự thống nhất cao, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngay sau khi kết thúc Chương trình nghị sự ADMM+ là Lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho Brunei. Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định niềm tin tưởng rằng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Brunei sẽ tiếp tục phát huy tinh thần "hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong ADMM và ADMM+
Không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên ADMM+ sẽ tích cực ủng hộ Chủ tịch ASEAN năm 2021./.