Đây là lần đầu tiên, Hội nghị ADMM+ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, song các bên đều tin tưởng rằng điều này không ảnh hưởng đến chất lượng hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, trong khi một số thể chế đa phương trên toàn thế giới đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, thì hợp tác trong kênh quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác vẫn tiếp tục là một điểm sáng.
“Kênh quốc phòng đã thể hiện được vai trò tích cực của mình không chỉ trong tham gia phòng chống dịch bệnh của quân đội của mỗi nước, mà còn trong cả hợp tác khu vực. Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, chúng ta vẫn duy trì trao đổi và hợp tác thường xuyên, rút ngắn được khoảng cách địa lý và không gian giữa Bộ Quốc phòng và Quân đội các nước”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói.
Năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách, đại dịch COVID-19 đã kéo theo một loạt những hệ lụy về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thương mại, đầu tư. ASEAN và các đối tác theo đó phải đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được triển khai, nhằm đảm bảo được duy trì và thúc đẩy đà hợp tác trong khối và giữa ASEAN với các đối tác.
“Trong ASEAN, chúng tôi đã ra được Tuyên bố của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng về phòng chống dịch bệnh lan truyền vào tháng 2/2020 làm cơ sở để Diễn tập trực tuyến về phòng chống COVID-19 của lực lượng Quân y ASEAN được triển khai vào tháng 5/2020. Chúng tôi cám ơn sự ủng hộ và cử quan sát viên tham gia Diễn tập của một số nước Cộng và tin tưởng rằng trong thời gian tới, những hoạt động tương tự với sự tham gia của các nước Cộng sẽ được triển khai”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh.
Trong ADMM+, đây là năm các Nhóm chuyên gia ADMM+ đánh giá, tổng kết hoạt động của chu kỳ 2017-2019 và lập kế hoạch cho chu kỳ mới, đặc biệt, đây cũng là năm đánh dấu 10 năm thành lập cơ chế ADMM+.
Tại Hội nghị ADMM+ lần này, ASEAN và các nước tiếp tục trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực, đặc biệt là ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời, thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong sắp thời gian tới.
Ngay trước khi ADMM+ lần thứ 7 khai mạc, Bộ Quốc phòng Việt Nam - Chủ tịch các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN năm 2020 long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thiết lập ADMM+ do, Bộ trưởng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chủ trì.
Khi mới thành lập, Hội nghị ADMM+ được tổ chức ba năm một lần và đến nay, hoạt động hợp tác thực chất trong ADMM+ được triển khai thông qua 7 nhóm chuyên gia, bao gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ; an ninh biển; quân y; chống khủng bố; gìn giữ hòa bình; hành động vì nhân đạo và an ninh mạng. Đây là những minh chứng cụ thể cho cam kết của các nước thành viên ADMM+, với mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực thông qua đối thoại cũng như các hoạt động hợp tác thực chất về quốc phòng và an ninh, xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức an ninh chung trong khu vực.
Gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:, cho đến nay, vai trò của ADMM+ trong cấu trúc an ninh khu vực đã được thừa nhận rộng rãi, nhưng không có nghĩa vai trò đó sẽ mặc nhiên được bảo đảm trong tương lai. Để có thể chủ động thích ứng trong một môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động, với những cơ hội và thách thức đan xen, ADMM+ cần phải nỗ lực và gắn kết hơn nữa để tăng cường vai trò của mình trong một cấu trúc khu vực đang định hình, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ chế hợp tác khác trong khu vực do ASEAN làm trung tâm như Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn An ninh khu vực (ARF)./.