Nghe thêm tin âm thanh tại đây

 

Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội, năm 2010, hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội được đẩy mạnh và có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình hiện nay.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và tiến hành giám sát chuyên đề.

Tán thành với dự kiến giám sát 1 trong 3 chuyên đề, nhưng nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về nội dung các chuyên đề trong hoạt động giám sát.

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003 là quá lớn do phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng và giám sát vào thời điểm năm 2011- năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội là không phù hợp.

Theo dự kiến, tại phiên họp tháng 6/2011, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, báo cáo Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ I.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Phạm Minh Tuyên cho rằng, cần cân nhắc kỹ vì quá trình giám sát về bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành từ khi bắt đầu công bố bầu cử. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể nghe kết quả giám sát tại các phiên họp của thường vụ.

Ông Phạm Minh Tuyên cũng đề nghị nên chuyển nội dung giám sát việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND sang năm 2012 hoặc 6 tháng đầu năm 2013.

Tiếp đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị quyết nêu rõ, báo cáo kết quả giám sát phản ánh khá toàn diện, khách quan và sát với thực tế. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần tập trung rà soát văn bản hướng dẫn thi hành luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chiều 28/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010./.