Phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra rất sôi nổi. Tinh thần đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lên trong phiên khai mạc kỳ họp đã và đang được thể hiện trong hoạt động chất vấn tại nghị trường kỳ này. Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV: Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thay đổi cách chất vấn khi dành cho các đại biểu Quốc hội phần tranh luận với các thành viên Chính phủ hay giữa các đại biểu với nhau. Qua theo dõi các phiên chất vấn, ông có nhận thấy tinh thần đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn không?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chất vấn theo cách như vậy có ưu điểm đại biểu muốn tranh luận trở lại sẽ được tranh luận. Chủ tọa đoàn sẽ nhận biết ngay người muốn tranh luận trở lại.
Hàng chục đại biểu đăng ký, theo máy tính sắp xếp người nào đăng ký sau sẽ tranh luận sau; có khi đại biểu xếp sau lại muốn tranh luận ngay sau khi Bộ trưởng trả lời, như vậy sẽ rất khó. Với cách làm như hiện nay sẽ biết được đại biểu nào muốn tranh luận trở lại. Như vậy chất vấn sẽ sâu và cũng căn cứ vào đó để trả lời chính xác hơn câu hỏi của đại biểu.
PV:Mục đích cuối cùng của tranh luận và chất vấn là để Quốc hội và Chính phủ cùng đồng thuận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề nóng được nêu chất vấn tại nghị trường. Ông có nhận xét thế nào về hiệu quả chất vấn trong 4 phiên chất vấn vừa qua?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chất vấn đạt được nhiều mục đích. Mục đích thứ nhất là có cảnh báo tới Chính phủ hoặc Bộ trưởng của Bộ đó, trong cuộc sống đặt ra vấn đề đó thì đại biểu có thể chất vấn. Chất vấn đó dẫn dắt sự chú cũng như sự quan tâm của bên hành pháp, bên Chính phủ.
Chất vấn để Chính phủ giải trình một mảng nào đó của chính sách. Anh giải trình được không? Nếu giải trình được thì tinh thần trách nhiệm của anh như thế nào? Đó là mục tiêu thứ hai.
Thứ ba, chất vấn để nhắc nhở phản ứng chính sách của Chính phủ. Có vấn đề của cuộc sống nhưng vấn đề đó để quá lâu như vậy phải có chính sách như thế nào. Cũng có nhiều vấn đề, trong bộn bề công việc của các Bộ trưởng chưa có phản ứng.
PV:Ông có bình luận như thế nào về tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng được chất vấn trước quốc dân đồng bào khi vẫn còn nhiều câu trả lời vòng vo, né tránh các vấn đề nóng mà đại biểu Quốc hội chất vấn?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chế độ trách nhiệm trước Quốc hội là sự tín nhiệm của Quốc hội. Nếu anh không giải trình với Quốc hội, trả lời vòng vo thì Quốc hội bất tín nhiệm anh, vấn đề là Quốc hội có áp đặt chế độ trách nhiệm đó nữa hay chứ không phải Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Quốc hội hay không. Bộ trưởng nói: “tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, trong trường hợp như vậy Quốc hội có sẵn sàng áp đặt chế độ trách nhiệm?
Bởi vì trách nhiệm của Bộ trưởng là trách nhiệm trước Quốc hội, có nghĩa Quốc hội có tín nhiệm anh nữa hay không. Anh trả lời thế nào để Quốc hội còn tín nhiệm anh, hoặc để Quốc hội đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm anh. Đó là xác lập chế độ trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng Quốc hội có toàn quyền sử dụng trong trường hợp này.