Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Vẫn còn ý kiến khác nhau về các quy định về trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình, giảm mức hình phạt đã tuyên.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phân tích, tử hình có giảm trên thực tế phải có điều kiện, còn việc quy định tử hình trong tội danh thì có tính răn đe, để vì sợ chết mà người ta không dám phạm tội.

“Tư tưởng pháp trị nghiêm khắc mới giảm được tội phạm. Nên cân nhắc kỹ, đặc biệt như tội cướp giật. Như vừa rồi ở TPHCM phải xử tử hình đối tượng chặt lìa tay cô gái cướp xe SH, gây dư luận hãi hùng”, đại biểu cho biết.

Khoản 2 Điều 39 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên. 

Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ quy định trên thì nhiều ý kiến cho rằng trong khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm.

trieu_la_phan_ha_giang_nhmu.jpg
Đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang)

“Dẫu biết quy định theo hướng này là chính sách nhân đạo với người đến tuổi thượng thọ, nhưng tôi thấy chưa hợp lý vì thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm”, đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) nêu quan điểm.

Nhiều đại biểu băn khoăn, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng nhấn mạnh, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền được sống của con người, chỉ áp dụng với người phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng tình với dự thảo về việc giảm án tử hình, nhưng đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc không tử hình người phạm tội trên 70 tuổi, vì thực tế có nhiều bị cáo phạm tội nghiêm trọng khi tuổi đã cao.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với thực tế.

Đại biểu đặt vấn đề: Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật dựa trên căn cứ, tiêu chí nào để đưa đối tượng trên 70 tuổi vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình?

Không đồng tình với quy định này, đại biểu Huỳnh Văn Tính nhấn mạnh, thực tế người cao tuổi vẫn phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội về ma túy. Do đó, quy định như dự thảo là không đúng với thực tiễn, và cũng không có căn cứ để lấy mốc tuổi trên 70. Bởi nếu dựa trên chính sách với người cao tuổi thì vẫn chưa đúng vì luật quy từ 60 tuổi đã là người cao tuổi./.