Thảo luận tại hội trường sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng quy định quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ rất lớn nhưng trách nhiệm lại chỉ có báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi vắng mặt thì ủy quyền là chưa hợp lý. 

Chính phủ cũng đã có nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu, trong khi Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ nên phải rõ trách nhiệm.

Trên quan điểm đó, ông Thuyền đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành cơ bản trách nhiệm của Quốc hội giao; đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; trực tiếp trả lời chất vấn Quốc hội, chứ không chỉ là báo cáo.

nguyen_ba_thuyen_oolc.jpg
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) 

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá cao quy định chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng, thành viên Chính phủ; cho rằng đây là quy định mới cần thiết để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu. Nhưng phải làm rõ phương thức, thời gian báo cáo để đảm bảo khả thi.

Liên quan quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu cũng cho rằng chỉ có trách nhiệm báo cáo công tác mà không đề cập trách nhiệm khác là chưa theo logic trách nhiệm phải tương xứng với quyền hạn.

Trong khi đó ở điều 37 quy định về trách nhiệm báo cáo của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định rất rõ hai phần: Bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ và Quốc hội về các lĩnh vực được phân công, phụ trách và báo cáo giải trình về công tác được phân công trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân.

Đại biểu cho rằng cần bổ sung trách nhiệm báo cáo của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước Quốc hội về những vấn đề quan trọng, trách nhiệm quản lý và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cũng đề nghị làm rõ thêm về phân quyền, phân cấp, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ, quyền trách nhiệm của địa phương xây dựng nền hành chính dân chủ, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

“Đề nghị bổ sung từ “trách nhiệm” ở các điều và làm rõ hơn, đầy đủ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của của Chính phủ từ điều 6 đến 27, trong đó có điều hành phát triển KT- XH, an ninh quốc phòng, trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vừa qua trong bộ máy còn xảy ra tham nhũng nhưng trách nhiệm của Chính phủ không rõ ràng”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thường xuyên kiểm tra xử lý tập thể, cá nhân, cơ quan để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Cử tri đặt trách nhiệm này vì tham nhũng còn nguy cơ gia tăng nên trách nhiệm cần đưa vào luật này và quy trách nhiệm cụ thể.

Cũng theo đại biểu, luật cần thể hiện định kỳ 6 tháng hàng năm Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo việc thực hành nhiệm vụ của mình trước Quốc hội và công khai để nhân dân kiểm tra và giám sát./.