Ngày 21/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật trong những năm qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tổng Bí thư nêu rõ: Đảng, Nhà nước, nhân dân chờ đợi, hy vọng những người hoạt động văn họa nghệ thuật sáng tạo ra những tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tương xứng với tầm vóc của dân tộc và đất nước
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật báo cáo với Tổng Bí thư |
Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa; 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về văn học, nghệ thuật, nền văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Quyền tự do sáng tạo, không gian và điều kiện sáng tạo của văn nghệ sĩ được nâng lên; tiềm năng và cảm hứng của người nghệ sĩ được khơi dậy. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước, những trang sử vể vang chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục thu hút các thế hệ văn nghệ sĩ khai thác và thể hiện thành công. Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, nhân dân cũng được anh chị em văn nghệ sĩ trân trọng và có những thành công đáng ghi nhận. Văn học, nghệ thuật tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; ca ngợi, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; đấu tranh phê phán thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch. Cùng với lĩnh vực sáng tác, lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn hoa, nghệ thuật cũng có những chuyển biến rõ rệt.
Đảng đoàn và lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các hội thành viên đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa IX, X, XI; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kỷ niệm 70 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam và 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ; 55 năm Bác Hồ gửi thư cho các họa sỹ và giới văn nghệ cả nước.
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác lãnh đạo, quản lý ở một số hội còn nhiều bất cập, còn thiếu cán bộ lãnh đạo văn nghệ có năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết hội viên. Việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ đang gặp nhiều khó khăn. Chưa có nhiều tác phẩm chất lượng cao. Một số người còn xem nhẹ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Cá biệt có người lên tiếng đòi “hạ bệ”, “giải thiêng”, “bôi đen” các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của dân tộc và của chế độ chủ nghĩa xã hội.
Nhà thơ Vũ Tú Nam phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh và Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khẳng định những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ với sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, với công tác tư tưởng, tuyên giáo; chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ và kiến nghị của giới văn học nghệ thuật và cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành đã và đang tích cực triển khai đưa các nội dung của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới thông qua các Đề án.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và cảm ơn văn nghệ sĩ cả nước với đầy đủ tình cảm với Đảng, với nhân dân, với chế độ, với đất nước đã nỗ lực, bền bỉ thúc đẩy nền văn hóa, văn học nghệ thuật nước ta tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, phần lớn trong số đó có nội dung lành mạnh, tích cực; hình thức thể hiện có nhiều đổi mới, đa chiều. Tuy nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đời sống của đa số anh chị em văn nghệ sĩ còn khó khăn, nhưng với lòng say mê, tâm huyết sáng tạo đã có nhiều tác phẩm đáng trân trọng…Văn học, nghệ thuật nước ta tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị bền vững của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn; là bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là trọng trách xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Tổng Bí thư chỉ rõ: hiện thực phong phú, sôi động của đất nước đang mở ra chân trời rộng lớn cho sự sáng tạo, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn và mới mà những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật thông qua những tác phẩm sáng tạo của mình phải cắt nghĩa, trả lời và định hướng đi lên cho xã hội. Thực tế những năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có cuộc đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, văn hóa. Đó là cuộc đấu tranh giữa chân, thiện, mỹ với cái giả dối, cái ác, cái xấu xa; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu.
Tổng Bí thư khẳng định: Nhận rõ vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, cố gắng tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học. Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy, Tổng Bí thư đã có đôi điều trao đổi tâm tình với anh chị em văn nghệ sĩ trẻ cả nước “Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết nhưng quan trọng vẫn là nói như thế nào, viết như thế nào? Chúng ta vẫn thường nói văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không phải là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân. Đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, rút ra những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa. Bài học đó là: khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với một số văn nghệ sĩ |
Nhắc lại chức năng cao quý của văn học nghệ thuật là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống- hiện thực vĩ đại của dân tộc, phán ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn: Với tài năng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, chúng ta tin là sẽ có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, ngợi ca cái tốt, cái thiện, cái tích cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với cái ác, cái xấu, những tư tưởng sai trái đi ngược lại truyền thống đạo lý và lợi ích của Tổ quốc và dân tộc, những thói tệ nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế. Nghiên cứu lý luận phê bình cần phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, tinh tế, góp phân fđịnh hướng, giới thiệu cho công chúng tiếp nhận những giá trị văn hóa trong và ngoài nước, loại trừ những cái phi văn hóa, phản văn hóa; chống xu hướng “lai căng” thương mại hóa hoặc chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật, nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn nghệ giúp Đảng làm tốt việc đoàn kết, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để anh chị em mà tốt thiên chức sáng tạo của mình. Đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, công tác chuyên môn ở Liên hiệp hội và các hội thành viên từ Trung ương đến các địa phương.
Tổng Bí thư đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật thành viên và phối hợp tập trung giải quyết những việc có thể làm ngay, từng bước tháo gỡ các khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, điều kiện hoạt động của Liên hiệp hội, các hội chuyên ngành và của anh chị em văn nghệ sĩ./.