Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác thi hành án; báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao và TAND tối cao, năm 2014, vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ô nhiễm môi trường tại một số khu công nghiệp, làng nghề; rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng; nạn khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản xảy ra nhiều nơi, trật tự đô thị, trật tự công cộng, các hành vi lấn chiếm lòng đường vỉa hè, xây dựng trái phép vẫn xảy ra phổ biến tại các độ thị lớn.
Diện tích trồng cây thuốc phiện tăng trở lại, số người nghiện ma túy liên tục tăng. Một số loại tội phạm gia tăng đáng kể, nhất là tội phạm mua bán người tăng 10% số vụ, tội phạm đánh bạc tăng 6,48% số vụ, tội phạm vi phạm trật tự quản lý kinh tế tăng 1,62% số vụ, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng xảy ra nhiều tội phạm nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước và doanh nghiệp.
Một số loại tội phạm mặc dù không tăng nhưng tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp như tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao. Tại một số địa phương như Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai còn bị động trong việc phòng ngừa ngăn chặn các hành vi quá khích, gây rối trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản của doanh nghiệp. Tội phạm cướp giật tại một số địa phương (đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh) vẫn diễn biến phức tạp.
Việc thực hiện các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết để thi hành pháp luật, pháp lệnh một số trường hợp còn chậm gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Việc xử lý vi phạm hành chính của một số ngành địa phương thiếu nghiêm minh, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Một bộ phận cán bộ công chức xử lý vi phạm hành chính còn nhũng nhiễu, nhận hối lộ, tỷ lệ khám phá tội phạm trộm cắp tài sản chậm, phát hiện xử lý các băng nhóm hoạt động theo kiểm xã hội đen có tính chất chuyên nghiệp, trong đó có cả những trường hợp phạm tội núp bóng doanh nghiệp.
Số vụ tội phạm về kinh tế chức vụ, tham nhũng, buôn lậu được phát hiện xử lý chưa tương xứng tình hình thực tế và tỷ lệ thu hồi tài sản phạm pháp rất thấp, việc chấp hành pháp luật trong công tác giải quyết tin tố giác tội phạm, khởi tố bắt giữ, điều tra vẫn còn nhiều vi phạm. Đáng chú ý để xảy ra một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, gây chết người, làm bức xúc dư luận…
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Năm 2014, Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều chính sách, biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết các các điểm nóng và những vấn đề nổi cộm về an ninh trật tự an toàn xã hội do tác động của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam. Tội phạm vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực được kiềm chế; giảm vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tội phạm giết người giảm 7,93%, tội phạm trộm cắp tài sản giảm 25,85%, tội cưỡng đoạt tại sản giảm 12,78%, tội chống người thi hành công vụ giảm 17,75%.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngành Công an đã xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, phát hiện ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động thâm nhập, phá hoại, kích động gây rối bạo loạn của các thế lực thù địch và phản động. Bảo vệ an toàn các mục tiêu địa bàn trọng điểm, giữ vững ổn định chính trị không để bị động bất ngờ, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập… Năm 2014 đã tiếp nhận 106.540 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tăng 7,67% so với năm 2013. Đã xử lý 92,4% tin báo tố giác về tội phạm chủ động nắm chắc tình hình tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tội phạm xã hội, không để tội phạm lộng hành. Số vụ án khởi tố mới là 77.913 vụ với 121.039 bị can tăng 2% về số vụ, giảm 2% về số bị can.
Theo báo cáo của ngành kiểm sát, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra 17 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 38,6% số vụ án thụ lý điều tra. Tuy nhiên, việc phát hiện tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ còn hạn chế, dẫn tới việc điều tra, xử lý còn chậm, chất lượng chưa cao. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, một số địa phương còn để xảy ra oan sai. Những hạn chế nêu trên chủ yếu do năng lực trình độ và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số đơn vị còn thiếu cán bộ, Kiểm sát viên; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc chưa ứng được yêu cầu công tác; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện.../.