Chiều 4/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là quy định tổ chức cho phạm nhân sản xuất, lao động ngoài trại giam.

toan_2_ok_ebvp.jpg
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn)
Báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định trên và cho rằng, đối với người bị phạt tù, lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Việc giam giữ tập trung phạm nhân số lượng lớn trong thời gian dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân nhằm giáo dục, cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.

Việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

Góp ý về vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Mão (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An) bày tỏ băn khoăn quy định trên có thể phát sinh nhiều vấn đề vì thi hành án hình sự quan trọng là giáo dục cho phạm nhân chứ không phải tạo ra cơ sở vật chất.

Theo ông Mão, hiện tại các cơ sở trại giam có việc phạm nhân vi phạm quy chế, mang vật cấm vào trại tram, phạm nhân gây gổ đánh nhau, tình trạng phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ tiền để đầu tư cải tạo tại các trại giam để tránh việc phạm nhân trốn ra ngoài. Vậy giờ cho phạm nhân ra ngoài trại lao động thì kiểm soát ở nơi cơ sở sản xuất như thế nào? Khó có thể bảo đảm vì phạm nhân có thể mang ma túy, vũ khí, điện thoại vào trại.

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, nếu có cho phép phạm nhân ra ngoài lao động sản xuất tại các doanh nghiệp thì vẫn phải chịu sự quản lý của trại giam.

Ông Mão nêu dẫn chứng, hiện tại Nghệ An có các doanh nghiệp may, lò gạch có hợp đồng với một số trại giam để cho phạm nhân ra ngoài lao động, họ phản ánh có những khó khăn trong bảo đảm điều kiện vì từ nơi giam giữ tới nơi lao động có khi 50-60 km thì xe đưa đón thế nào? Chưa kể phải cử người đi áp tải, giám sát. Vị đại biểu đề nghị, cần cân nhắc áp dụng quy định này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cho rằng, vấn đề đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam đang còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là khi Quốc hội thảo luận ở tổ. Vì vậy cần quan tâm tính toán cân nhắc, tránh việc phạm nhân dù đang trong thời gian chấp hành án phạt tù nhưng thời gian ở trong trại giam lại rất ít.

“Trong khi đó, nơi làm việc của phạm nhân lại không quy định cụ thể khoảng cách địa lý bao xa? Có mức trần sáng đi tối về, hay đi làm việc rồi ăn ngủ ở đó?”- ông Phong nói và cho biết đó là những quy định dễ bị lợi dụng, lạm dụng do đó cần quy định chặt chẽ.

Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) kiến nghị, phạm nhân phạm tội có tính côn đồ hung hãn, sử dụng hung khí khi gây án thì không nên cho ra ngoài lao động bởi bản tính hung hãn dễ gây tác động xấu tới xã hội./.